Phát huy tính chủ động của địa phương, giảm tải áp lực cho Trung ương

Bên lề kỳ họp Kỳ họp bất thường lần thứ 9, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc phân định rõ thẩm quyền sẽ phát huy tính chủ động của địa phương, giảm tải áp lực cho Trung ương.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 13/2, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở quán triệt các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính Nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới và phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013; đồng thời, việc phân định rõ thẩm quyền sẽ phát huy tính chủ động của địa phương, giảm tải áp lực cho Trung ương.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương, quyết liệt để kịp trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất tích cực thẩm tra, cho ý kiến để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ dự thảo Luật.

Nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật, đại biểu đề nghị rà soát lại thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại khoản 2 Điều 10. Khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, cấp xã. Đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng dự thảo luật thiếu chữ “cấp” trước chữ “huyện”, phải là “đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã” mới chính xác; theo quy định như khoản 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, vậy trường hợp quận, thành phố thuộc thành phố, thành phố thuộc tỉnh thì cơ quan nào có thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới. Đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý để bảo đảm đầy đủ thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đại biểu phân tích, khoản 1 Điều 11 quy định: Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo quy định này, đại biểu chưa thấy có vai trò của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, điểm c Khoản 2 Điều 11 cũng chỉ quy định trong Hồ sơ đề án phải có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, Báo cáo tổng hợp ý kiến cũng không thể hiện rằng đề án phải được trình tại phiên họp của Hội đồng nhân dân.

Trong khi đó, tại điểm k khoản 1 Điều 16 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quy định Hội đồng nhân dân tỉnh nêu rõ: Thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đổi tên đơn vị hành chính ở địa phương. Như vậy, các Đề án này phải được trình tại phiên họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào khoản 1 Điều 11 cụm từ “trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi” và chỉnh lý lại như sau: Chính phủ tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đóng góp ý kiến với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét việc quy định rõ ràng hơn về vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc quản lý, điều hành đất nước, bảo đảm quy định phản ánh đúng thực tế hoạt động quản lý nhà nước, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo nhiệm vụ giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Xem xét thêm về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan khác nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính trị.

Cho ý kiến với các quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp tại Chương III, dự thảo Luật Tổ chức quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, việc phân định rõ thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương; góp phần giảm tải áp lực cho cấp trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các cấp, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa gắn liền với nguồn lực tương ứng; một số địa phương chưa đủ năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có sự thống nhất trong cách thức quy định các nguyên tắc phân định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền với đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền. Đồng thời, tiếp tục xem xét có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, bổ sung các hướng dẫn cụ thể để bảo đảm thực hiện hiệu quả các nguyên tắc này.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huy-tinh-chu-dong-cua-dia-phuong-giam-tai-ap-luc-cho-trung-uong-20250213201150955.htm
Zalo