Phát huy thế mạnh của làng nghề, di tích
Thực hiện khoản 8, Điều 21 Luật Thủ đô 2024, HĐND TP Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về khu phát triển thương mại và văn hóa.
Vận hành Khu phát triển thương mại và văn hóa

Tiềm năng của hệ thống di tích được đánh thức với tư cách là nguồn vốn văn hóa, đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận. Ảnh: Mộc Miên
Phát huy thế mạnh của làng nghề
Hà Nội đã phát huy thế mạnh của làng nghề, nhất là tập trung đầu tư cho phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị văn hóa bản địa.
Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận. Hà Nội có 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.
Sau gần 6 năm triển khai Chương trình OCOP, thành phố Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm được công nhận; trong đó, có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho lao động nông thôn. Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng như sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ; nón Chuông, Thanh Oai; sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, Thường Tín; hoa Tây Tựu, Bắc Từ Liêm; lụa Vạn Phúc, Hà Đông; gốm sứ Bát Tràng, Gia Lâm; tò he Xuân La, Phú Xuyên; cốm Mễ Trì, Nam Từ Liêm... làng có nghề như quạt Chàng Sơn, chuồn chuồn tre Thạch Xá, Thạch Thất; rối nước Đào Thục, Đông Anh; đúc đồng Ngũ Xã, Ba Đình; đậu bạc Định Công, Hoàng Mai...
Theo đó, Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn.
HĐND TP Hà Nội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa. Theo dự thảo, khu phát triển thương mại và văn hóa là những không gian được quy hoạch để tích hợp các hoạt động kinh tế, thương mại với bảo tồn và phát triển văn hóa. Những khu vực này giữ vai trò quan trọng trong nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Dự thảo quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tiêu chí thành lập và cơ chế quản lý các khu này. Trong đó, các khu phát triển thương mại và văn hóa phải đáp ứng các yêu cầu về không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, môi trường kinh doanh và đặc biệt là khả năng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Nội.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đề xuất một số giải pháp phát huy thế mạnh của làng nghề trong xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại” như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp; triển khai hiệu quả chương trình xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tại các làng nghề xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch khám phá
Mặc dù trong những năm đầu thực hiện đổi mới theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, ngành du lịch Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn. Song, với sự tích cực, chủ động của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, du lịch Hà Nội từng bước vươn lên trở thành một trong những thế mạnh, không chỉ đóng góp nguồn lợi đáng kể vào ngân sách Thủ đô mà còn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
PGS.TS Đinh Thị Vân Chi - Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nhận định, với sức hút mạnh mẽ của các di tích, Hà Nội đã xây dựng nhiều tour du lịch khám phá 28 tuyến phố cổ, 121 di tích lịch sử, văn hóa lịch sử cách mạng và các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe điện. Nhiều tour gắn với các di tích nổi tiếng của TP như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến quen thuộc và hấp dẫn: hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích Nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột; tour “Hà Nội bộ hành” gắn với các di tích đình Đồng Lạc, cầu Long Biên; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… Đặc biệt, các tour du lịch “Đêm thiêng liêng” 1, 2 và 3 thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò tạo được dấu ấn với du khách ngay khi khai trương, tạo nên “cơn sốt vé”, vé được đặt hết trước cả tháng.
Rõ ràng là khi tiềm năng của di tích được đánh thức với tư cách là vốn văn hóa đã mang lại lợi ích kinh tế đáng ghi nhận. Trong nhiều năm, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón hàng triệu lượt khách. Các làng nghề cũng được thiết kế để trở thành những điểm du lịch, ví như tour xe đạp khám phá Cổ Loa - làng gốm Bát Tràng - các di tích thuộc “Thăng Long tứ trấn”; tour “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”… Các hình thức du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch đồng quê, du lịch trải nghiệm... cũng ngày càng phát triển.
Rõ là vốn văn hóa khách thể hóa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế khi chúng trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách, mang lại doanh thu cho cộng đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được các làng nghề vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như làng nghề mới chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, không tập trung, thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.
Phần lớn việc sản xuất tại các làng nghề còn mang tính thời vụ do nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất còn phụ thuộc nhiều các tỉnh, thành phố và đang dần bị thu hẹp, phải mua, thu gom ở các vùng nguyên liệu trên các tỉnh thành trong cả nước nên cần kinh phí lớn để dự trữ nguyên liệu đầu vào, trong khi đó, chính sách hỗ trợ liên kết phát triển vùng nguyên liệu với các tỉnh thành phố chưa được quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các cơ sở, đặc biệt là nhóm ngành hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, một số chính sách còn bất cập so với thực tiễn cho nên khi triển khai có nhiều hạn chế; việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa mấy cải thiện, bao bì mẫu mã, nhãn mác sản phẩm làng nghề còn đơn giản, chưa bắt mắt, nhiều làng nghề đã bị mai một mất đi...