Phát huy quyền chủ động giám sát
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua trong Kỳ họp thứ Tám là quy định giám sát của công đoàn. Quy định này đã nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH nhằm phát huy quyền chủ động thực hiện giám sát của tổ chức công đoàn, góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động để kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời…
Quy định quyền độc lập giám sát của tổ chức công đoàn
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), quyền chủ động giám sát và phản biện xã hội của tổ chức công đoàn là những nội dung mới được đưa vào dự thảo luật lần này. Luật Công đoàn 2012 chỉ quy định công đoàn được tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. “Như vậy, công đoàn không thể tự tổ chức các hoạt động giám sát. Do đó, việc bổ sung quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn vào dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp”, bà Nga chia sẻ.
Đại biểu cũng nêu rõ, việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó, có tổ chức công đoàn là hoạt động giám sát mang tính xã hội, giám sát mang tính nhân dân khác với hoạt động giám sát của Quốc hội hay của HĐND là giám sát mang tính quyền lực nhà nước. Điều này xuất phát từ bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bởi thế, nhân dân, trong đó có người lao động thực hiện quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình thông qua đại diện của họ là tổ chức công đoàn.
Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, công đoàn đã thực hiện giám sát tới hơn 166.000 cuộc, hơn 27.000 người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng. Với con số trên, việc quy định quyền độc lập giám sát của tổ chức công đoàn như ở trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Song, cũng có ý kiến đề nghị, bổ sung hình thức giám sát có tính chất thường xuyên của công đoàn là thông qua phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động về vấn đề được giám sát.
Giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động, đình công
Trước đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ với cán bộ công đoàn, công nhân lao động để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, nhiều cử tri đã nhấn mạnh, việc tăng quyền chủ động giám sát của công đoàn tại Điều 16 của dự thảo Luật lần này là cần thiết. Quy định này giúp cho công đoàn thuận lợi hơn khi thực hiện hoạt động giám sát, phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động và thực hiện tốt hơn vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc quy định cụ thể hơn công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát sẽ kịp thời kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm, giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công. Quy định này bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thuận lợi trong tiếp cận các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.
Mặt khác, hiện nay theo chủ trương Nghị quyết của Đảng và các quy định của pháp luật thì công đoàn là chủ thể vừa có tư cách trực tiếp chủ trì giám sát lại vừa phối hợp giám sát với các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điều này thể hiện trong rất nhiều các văn bản như tại Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật, công đoàn có quyền chủ trì giám sát đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngoài quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khiếu nại đều có quy định đều có quy định là các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, giám sát nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.