Nhiều ĐBQH phản ứng trước đề xuất xe bán tải, VAN phải chịu thuế TTĐB lên tới 60%

Tại phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sáng 22/11, nhiều ĐBQH cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 60% đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô tải VAN có từ 2 hàng ghế trở lên là không phù hợp.

Nông dân càng khó mua xe nếu áp thuế cao

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, ĐBQH Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 60% đối với xe pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô tải VAN có từ 2 hàng ghế trở lên. Ông Tơr cho rằng, đưa 2 loại xe này vào đối tượng chịu thuế TTĐB như các loại ô tô khác là không phù hợp bởi đây là các loại xe có niên hạn sử dụng; làm nhiệm vụ vừa chở người vừa chở hàng kết hợp.

Ông Y Vinh Tơr dẫn chứng, ở vùng Tây Nguyên, người dân thường sử dụng máy cày, công nông để vận chuyển hàng hóa, nông sản và cũng để chở người rất nguy hiểm. Nếu đánh thuế TTĐB lên 60% sẽ hạn chế và là rào cản khiến người dân không thể mua xe pick-up và xe ô tô tải VAN thay thế cho công nông, máy cày.

ĐBQH Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

ĐBQH Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ nêu, hiện tại hạ tầng giao thông nông thôn tốt lên nên ngày càng nhiều người dân sử dụng phương tiện này để chở người và công cụ lao động phục vụ công việc. Xu hướng này cũng thể hiện sự phát triển, giàu có của người dân nông thôn.

Cho rằng, để tìm hình ảnh đại gia giàu sang, mặc đồ đẹp lại chạy xe pick-up là không phổ biến. Do đó, theo đại biểu Thanh Phương, không có nhiều chuyện lợi dụng thuế thấp, xe giá rẻ để di chuyển thông thường. Vì vậy đại biểu đề nghị nên có mức thuế suất phù hợp đối với xe pick-up chở hàng để hỗ trợ cho người dân nông thôn.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương – Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương nói: "Nếu thuế quá cao, người dân không mua được xe lại phải chuyển sang xe không phù hợp, chở phương tiện lao động kềnh càng dễ kéo theo vấn đề về an toàn giao thông".

Tăng thuế TTĐB vô hình "đánh thẳng vào một hãng"

ĐBQH Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đặt dấu hỏi: "Tại sao phương tiện phục vụ nhiều trong sản xuất, kinh doanh lại phải chịu thuế TTĐB vốn là loại thuế để điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ?"

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Hiếu cũng chỉ rõ, xe pick-up chịu thiệt nhiều so với xe thông thường và có niên hạn sử dụng nên việc tăng thuế TTĐB sẽ tác động ngay đến người mua, thậm chí dẫn đến trường hợp mua xe khác và bỏ ghế ngồi để làm xe chở hàng.

ĐBQH Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

ĐBQH Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đồng thời, ông Hiếu cũng chỉ ra rằng, thị trường ô tô Việt Nam có 4 loại xe bán tải nhưng có 1 hãng bán ra chiếm 90% thị phần. Dù không nêu cụ thể tên hãng nhưng ông Hiếu cho biết, hãng này chủ yếu cung cấp xe bán tải và cũng đã có nhà máy tại Việt Nam. Nếu áp thuế TTĐB như dự thảo luật, vô hình chung "đánh thẳng vào một hãng", dễ dẫn tới nhà máy hãng xe bị đóng cửa ở Việt Nam.

Còn ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét một lộ trình và mức độ tăng thuế phù hợp hơn để tránh ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang sử dụng đến 64% loại xe này. Việc tăng thuế ở mức cao và một lần như đề xuất sẽ khiến cho giá thành sản phẩm này tăng một cách đột biến, ảnh hưởng lớn đến chi phí của các cả doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng loại xe này.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung.

Việc tăng thuế cũng có thể khiến sản lượng bán hàng giảm và từ đó mức thu ngân sách cũng không đạt được như kỳ vọng. Do vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung kiến nghị Quốc hội xem xét lộ trình tăng thuế trong vòng từ 3-5 năm cho mặt hàng đặc thù này.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dbqh-phan-ung-truoc-de-xuat-xe-ban-tai-van-phai-chiu-thue-ttdb-len-toi-60-169241122152056178.htm
Zalo