Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang tích cực triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, sau một thời gian triển khai, đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua giám sát, các cấp Công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, lao động, việc làm của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và thực tế hoạt động, sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tới các cấp, các ngành.
Từ đó, giúp các cấp, các ngành có cơ sở để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không ngừng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách của CNVCLĐ; đồng thời điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, bảo đảm cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp, pháp chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.
Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, năm 2024, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tổ chức 30 cuộc hội thảo, hội nghị, với 3.236 đại biểu tham dự, 803 ý kiến tham gia; phát hành 134 lượt văn bản gửi lấy ý kiến trực tiếp; gần 580 phiếu lấy ý kiến CNVCLĐ.
Các cấp Công đoàn đã tham gia đóng góp ý kiến, phản biện vào các dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm Y tế…; tham gia góp ý kiến vào dự thảo chỉ thị về đẩy mạnh công tác dân vận trong hoạt động quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện của các cấp Công đoàn luôn sát với thực tiễn đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và chỉ đạo thực hiện, đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của CNVCLĐ.