Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ nơi có nhiều cộng đồng cư dân sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh có gần 200 ngàn người, chiếm 6,42% dân số cả tỉnh.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS Đồng Nai phản ánh về đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân bản địa và nhập cư nhiều đợt từ nhiều thế kỷ trước đây đến nay.
Góp phần nhận diện văn hóa tộc người
Mỗi một giá trị di sản văn hóa chứa đựng những biểu hiện, đặc trưng của tộc người. Qua di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), mọi người đều có thể nhận diện và hiểu biết về từng loại hình di sản văn hóa đó của tộc người chủ thể.
Từ việc nhận diện, hiểu biết các loại hình di sản văn hóa và chủ thể văn hóa, giúp cộng đồng tăng cường tự nhận thức, thêm yêu mến, đồng cảm và cùng nhau có trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.
Ngoài người Việt, cư dân ở Đồng Nai còn có các DTTS như: Chơro, Mạ, S’tiêng, Cơho, Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường, Dao… góp phần tạo nên đời sống văn hóa phi vật thể rất phong phú, đa dạng…
Có thể nhận diện đặc trưng của văn hóa phi vật thể (VHPVT) các DTTS ở Đồng Nai: Một là, tín ngưỡng nguyên thủy đa thần. Mọi vật đều linh thiêng, thờ tất cả những gì hiện hữu, rừng, núi, nhà ở, sông, suối, cây cỏ… đều có ở các dân tộc bản địa Đồng Nai và vùng Nam Bộ. Hai là, lễ hội, bao gồm những lễ hội gắn với nông nghiệp, mừng mùa lúa mới, lễ đâm trâu, tế trâu là để cúng thần linh, cầu mưa… là lễ thức phổ biến của các cư dân nông nghiệp; hoặc lễ hội gắn với các các tôn giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo và Hồi giáo và tín ngưỡng dân gian. Ba là, mỹ thuật trang trí với hoa văn hình học mà hầu hết các dân tộc đều sử dụng để trang trí trên trang phục, nhà cửa, đồ vật, kiến trúc và đồ gốm… Bốn là, ẩm thực mang sắc thái đặc trưng của các tộc người bản địa hay di cư đến vùng Đồng Nai, qua các lễ vật và món ăn được thể hiện trong phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống dân gian ở Nam Bộ.
Thể hiện bản sắc văn hóa tộc người, là điểm tựa vững chắc cho đời sống các dân tộc
Di sản VHPVT là hồn cốt, là bản sắc của mỗi tộc người. Vì vậy, trong bối cảnh xã hội hiện đại, di sản VHPVT là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, làm giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. Di sản văn hóa nói chung và giá trị VHPVT nói riêng giúp cho các dân tộc không quên nguồn cội và sẵn sàng hòa nhập mà không sợ hòa tan. Đặc biệt, đối với những di sản VHPVT đã được ghi danh vào danh mục di sản VHPVT của nhân loại hoặc di sản VHPVT cấp quốc gia cần đươc triển khai theo tinh thần Công ước quốc tế 2003 và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
Văn hóa các DTTS Đồng Nai là một bộ phận của văn hóa Đồng Nai trong dòng chảy của văn hóa Nam Bộ góp phần vào việc hình thành, tồn tại và khẳng định bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đóng góp vào sự phát triển bền vững
Di sản VHPVT Đồng Nai chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần, vì vậy hơn lúc nào hết, các cộng đồng tộc người ở Đồng Nai luôn nhận thức cần phải đóng góp kho tàng di sản ấy vào việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương. Bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, nhà nước và cộng đồng cùng nhau chung tay gìn giữ, khai thác các giá trị của di sản văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Các di sản văn hóa được nhận diện giá trị sẽ góp phần vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc ở Đồng Nai nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Bằng các cuộc vận động người dân sống trong vùng di sản tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động liên quan, sẽ góp phần chăm sóc di sản, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đóng góp vào sự phát triển bền vững địa phương.
Góp phần vào sự củng cố khối đại đoàn kết dân tộc
Bên cạnh những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, thì lại có nét chung trong sự giao lưu văn hóa mang tính chất vùng miền. Vì vậy, một số thực hành các giá trị VHPVT của DTTS lại có ảnh hưởng văn hóa của tộc người khác, tạo nên mảng màu chung cho văn hóa các dân tộc. Mỗi khi thực hành các giá trị văn hóa, cộng đồng lại được tham gia vào phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, được sống trong không gian VHPVT của các DTTS với tinh thần hướng về quê hương, đất nước, thúc đẩy sự củng cố đoàn kết các dân tộc.
Sự đoàn kết các dân tộc thông qua di sản văn hóa của các cộng đồng DTTS bản địa đến các tộc người di cư đến Đồng Nai. Từ người Chơro, Mạ, S’tiêng, Khmer đến các tộc người Hoa, Tày, Nùng, Mường, Dao… ở phía Bắc và Trung Quốc đến cùng nhau giữ gìn bản sắc và phát huy văn hóa thống nhất các dân tộc Việt Nam.
Góp phần quảng bá giá trị văn hóa các dân tộc
Di sản VHPVT là biểu tượng đại diện cho bản sắc văn hóa tinh thần của các dân tộc, đồng bào các DTTS cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tộc người mình, quảng bá di sản văn hóa nói chung và VHPVT nói riêng. Tăng cường giới thiệu, quảng bá văn hóa các DTTS nhất là đối với các di sản đã được ghi danh vào danh mục di sản VHPVT như: “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ” (di sản VHPVT của nhân loại) và “Lễ hội Chùa Ông Biên Hòa” (di sản VHPVT cấp quốc gia) bằng nhiều hình thức.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể tiến hành nhiều hình thức quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, các sự kiện, hoạt động du lịch. Việc quảng bá di sản văn hóa nói chung và VHPVT nói riêng của các DTTS ở Đồng Nai và Nam Bộ còn được đẩy mạnh trong các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội và hoạt động du lịch ở các địa phương.