'Kiến trúc tạo nên đối thoại giữa không gian, văn hóa và cảm xúc con người'
Mở đầu chuỗi chương trình chuyên sâu về thiết kế sáng tạo và nghệ thuật với tên gọi CREA.TALK, buổi tọa đàm 'Architecture as a form of dialogue' (tạm dịch: Kiến trúc như một hình thái đối thoại) vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của diễn giả, kiến trúc sư đương đại người Ý nổi tiếng thế giới Marco Casamonti.
Sự kiện diễn ra trong không gian một di sản kiến trúc đặc biệt của Thủ đô: khán phòng Ngụy Như Kon Tum, Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân là Viện đại học Đông Dương), thu hút hơn 300 khán giả là các kiến trúc sư, nhà thiết kế, sinh viên và giảng viên ngành kiến trúc, thiết kế.
Đối thoại kiến trúc xuyên biên giới
Diễn giả chính của talkshow, Giáo sư, kiến trúc sư Marco Casamonti sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Florence (Ý), thành phố vô cùng nổi tiếng bởi nghệ thuật, khoa học, văn hóa và đặc biệt là cái nôi của nhiều kiến trúc sư tài năng, có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử nhân loại.
Với gần 40 năm hành nghề, kiến trúc sư Marco Casamonti là một trong những kiến trúc sư đương đại sở hữu nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế danh giá, từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong ngành thiết kế-kiến trúc đồng thời tham gia giảng dạy chuyên ngành tại Ý và nhiều quốc gia. Năm 1988, ông đồng sáng lập Studio Archea, nay là Archea Associati, một trong những công ty kiến trúc lớn nhất ở Ý và Châu Âu với hơn 260 kiến trúc sư làm việc tại các văn phòng khắp thế giới. Năm 2020, ông là Đại sứ Thiết kế Ý-Ngày thiết kế Ý tại Việt Nam.
Tại buổi trò chuyện, kiến trúc sư Marco Casamonti đã dẫn dắt công chúng vào hành trình khám phá 9 công trình kiến trúc độc đáo tại các quốc gia: Italia, Albania, Georgia, Việt Nam, Trung Quốc. Ông chia sẻ những câu chuyện thú vị về quá trình thiết kế, đồng thời lý giải mối liên hệ mật thiết giữa bối cảnh bản địa và ý tưởng kiến trúc trong từng dự án.
9 công trình được thảo luận gồm: Nhà máy rượu Antinori (Ý); Trung tâm thể thao của Câu lạc bộ bóng đá Fiorentina (Ý); Tòa nhà Ferragamo (Ý); Sân vận động quốc gia Albania (Albania); Tháp Alban (Albania); Trung tâm nghệ thuật Breus (Georgia); Tòa nhà Hope Square Bulding (Đài Loan, Trung Quốc); Tòa nhà ECEPDI (Thượng Hải, Trung Quốc); Cầu Hôn (Phú Quốc, Việt Nam).
Phát biểu tại sự kiện, kiến trúc sư Hoàng Vũ Lân đại diện Ban tổ chức cho biết: "Thông qua talkshow "Architecture as a form of dialogue”, kiến trúc sư Marco Casamonti muốn mang đến thông điệp kiến trúc là cuộc đối thoại sâu sắc giữa kiến trúc sư và chủ đầu tư, là sự đồng sáng tạo để tạo nên những tác phẩm kiến trúc. Bên cạnh đó, với những sinh viên đang theo đuổi đam mê kiến trúc, buổi talkshow này sẽ là nguồn cảm hứng quý giá, tiếp thêm lửa đam mê, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa đích thực của kiến trúc và vẽ nên những ước mơ cho tương lai”.
Việc mời kiến trúc sư Marco Casamonti làm diễn giả chính của tọa đàm này không chỉ xuất phát từ tầm ảnh hưởng quốc tế của ông mà còn từ mối nhân duyên với Việt Nam, khi ông là người thiết kế Cầu Hôn (Kiss Bridge), một công trình biểu tượng tại đảo ngọc Phú Quốc - Giám đốc Kienviet Media, kiến trúc sư Vương Đạo Hoàng cho biết thêm.
Những góc nhìn độc đáo về kiến trúc và văn hóa
Trong quan điểm thiết kế của Giáo sư, kiến trúc sư Marco Casamonti, lịch sử và truyền thống luôn là một trong những nền tảng quan trọng trong quá trình sáng tạo cũng như thực hành kiến trúc. Bởi vậy, những giá trị nhân văn, bền vững cùng yếu tố bản địa-văn hóa của mỗi quốc gia luôn được gợi nhắc trong các công trình của ông và các cộng sự.
Không chỉ được biết đến với những công trình ấn tượng trên thế giới, tại Việt Nam, kiến trúc sư Marco Casamonti còn để lại dấu ấn của mình với công trình Cầu Hôn tại thành phố Phú Quốc. Cầu có tổng chiều dài 810m và được làm bằng thép với tổng khối lượng lên tới 5.000 tấn – một khối lượng thép khổng lồ, bằng 1/2 lượng thép được dùng để xây tháp Eiffel tại Paris (Pháp).
Đặc biệt Cầu Hôn là cây cầu duy nhất không kết nối 2 đầu cầu mà tại chính giữa cầu là khoảng hở rộng 50cm. Đứng tại 2 mũi cầu những nụ hôn biểu tượng cho tình yêu, cái bắt tay thân thiện sẽ trở nên linh thiêng hơn. Cây cầu sẽ là chứng nhân cho tình yêu đôi lứa, tình hữu nghị, sự gắn kết giữa con người với con người. Công trình Cầu Hôn đã lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng (d)arc 2024 - Tôn vinh thiết kế chiếu sáng tốt nhất.
"Tôi tin rằng kiến trúc phải phản ánh tinh thần của địa phương và kết nối con người với không gian chung quanh. Mỗi công trình không chỉ tạo ra không gian sống, mà còn thiết kế một cuộc đối thoại giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và tương lai".
Giáo sư, kiến trúc sư Marco Casamonti
Theo kiến trúc sư Marco Casamonti, để thiết kế Cầu Hôn ông đã rất nỗ lực tìm hiểu và cảm nhận văn hóa Việt Nam với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, sự chia sẻ và đồng sáng tạo của chủ đầu tư. Vị kiến trúc sư từng đi khắp thế giới cũng đánh giá cao bề dày văn hóa, thẩm mỹ tại Việt Nam, và đặc biệt nhấn mạnh niềm yêu thích đối với ẩm thực Việt - điều luôn gây ấn tượng và níu chân ông mỗi lần đến Việt Nam.
Buổi tọa đàm được đồng tổ chức bởi DMD, Kienviet Media, Contemporary solutions, ICHAM, IITC, Sunjin Vietnam và Weplay, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội và sự đồng hành của Eleganz Furniture, TID Facade. Trong thời gian tới, CREA.TALK sẽ tiếp tục tìm kiếm các ý tưởng và tổ chức các sự kiện giao lưu, nghiên cứu, nhằm xây dựng một nền tảng đối thoại và kết nối cộng đồng sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc, nội thất, đồ họa, nghệ thuật và các ngành công nghiệp sáng tạo khác.