Phát huy giá trị các công trình tại Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên - biểu tượng văn hóa tiêu biểu của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, không chỉ là nơi tôn vinh hiền tài, giáo dục truyền thống hiếu học, mà còn có nhiều công trình giá trị, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc.

Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên trở thành điểm đến vui chơi, luyện tập thể thao của người dân và du khách. Ảnh: L.Na
Trong đó, Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên, vườn tượng nghệ thuật… được xem là những điểm nhấn quan trọng tại khu vực Văn miếu Trấn Biên, cần có sự quan tâm đúng mức để bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Di sản văn hóa giữa lòng Đồng Nai
Văn miếu Trấn Biên (tọa lạc tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) là một trong những công trình tiêu biểu mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất phương Nam. Được xây dựng từ năm 1715, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, đây là văn miếu đầu tiên ở Đàng Trong, được xem là biểu tượng tôn vinh đạo học, tri thức và truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Năm 2016, Văn miếu Trấn Biên được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 6-4-2023 của UBND tỉnh ban hành quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh, Di tích Văn miếu Trấn Biên được phân cấp về Sở Văn hóa, thể thao và du lịch. Sở giao Bảo tàng Đồng Nai trực tiếp quản lý và bảo tàng đang triển khai thực hiện chăm sóc, cải tạo cảnh quan Di tích Văn miếu Trấn Biên.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Văn miếu Trấn Biên đã được trùng tu và tôn tạo nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai làm chủ đầu tư công trình bảo quản, tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên với nhiều hạng mục: văn miếu môn, khuê văn các, nhà truyền thống, nhà đề danh, đại thành môn, nhà bái đường, nhà thư khố, sân đại bái, nhà bia… Nhiều năm qua, Văn miếu Trấn Biên trở thành không gian văn hóa quan trọng, là nơi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, khoa học, nghệ thuật và là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bùi Thanh Nam, tháng 10-2024, sở đã có Tờ trình số 3446/SVHTTDL-VH về việc đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn miếu Trấn Biên giai đoạn 2024-2030. Hiện sở đang tổng hợp hồ sơ góp ý để trình UBND tỉnh theo quy định.
Tại Di tích Văn miếu Trấn Biên hiện nay có 2 công trình: Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên (phía trước) và vườn tượng nghệ thuật (phía sau). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên là 4 ngôi nhà: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và nhà Chơro nằm trong khuôn viên vườn tượng đã hư hỏng, mái lợp đã mục nát, đổ sập nên Bảo tàng Đồng Nai chỉ có thể cho dọn dẹp sạch sẽ bên trong và cắt cỏ xung quanh.
Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện tour tham quan thực tế ảo (360 virtual tour) tại Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Trong đó có các nội dung như: số hóa 3D trên không, số hóa 3D dưới đất, thực hiện video thuyết minh tại thực địa, biên tập và thu âm bằng thuyết minh tiếng Việt và tiếng Anh. Dữ liệu được xây dựng, sử dụng trên mọi nền tảng và trình duyệt của thiết bị thông minh. Hiện tour tham quan thực tế ảo này đang được giới thiệu tại bảo tàng.
Phát huy giá trị các công trình
Cùng với trùng tu, tôn tạo Di tích Văn miếu Trấn Biên, hàng năm, vào dịp tưởng niệm ngày mất của các danh nhân văn hóa, đoàn viên thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh tổ chức các đoàn tham quan, dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân. Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với các trường học tổ chức sinh hoạt chuyên đề về danh nhân văn hóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Với khuôn viên bên ngoài di tích, hiện nay bảo tàng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa xung quanh các tượng danh nhân…
Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn miếu Trấn Biên giai đoạn 2024-2030 đã đề xuất nhiều nội dung phát huy giá trị các công trình. Trong đó có chăm sóc, cải tạo cảnh quan, cây xanh khuôn viên khu di tích, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, tạo điểm đến để phát triển du lịch; tu bổ một số hạng mục tại Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên và vườn tượng nghệ thuật; bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật, nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn và thu hút khách tham quan. Ngoài ra, đề án cũng đề xuất việc đầu tư, huy động các nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay: “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Văn miếu Trấn Biên giai đoạn 2024-2030 đã được ngành văn hóa xây dựng, tham mưu UBND tỉnh để lấy ý kiến các sở, ngành. Sau khi đề án được phê duyệt, UBND tỉnh có chủ trương, Bảo tàng Đồng Nai sẽ bắt tay vào sửa chữa, chỉnh trang, phát triển Văn miếu một cách tổng thể và quy mô theo đúng quy định”.
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch ngày 20-2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị sở cần quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các di tích; trong đó cần đặc biệt chú trọng đến hệ thống di tích lịch sử cách mạng và di tích có danh nhân văn hóa.
Riêng với công trình Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở nghiên cứu xây dựng đề án riêng để trùng tu, sửa chữa các hạng mục bị hư hại, nhất là 4 ngôi nhà Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và nhà Chơro. Việc trùng tu, tôn tạo, sửa chữa góp phần đưa Văn miếu Trấn Biên trở thành điểm đến văn hóa ý nghĩa, giáo dục và lan tỏa tinh thần hiếu học, tôn vinh giá trị tri thức cho thế hệ hôm nay, mai sau.