Phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng niềm tin với nhân dân

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở không chỉ xây dựng được niềm tin với Nhân dân, mà còn khơi dậy được lòng dân, sức dân trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH, bảo đảm QP-AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh ở mỗi đơn vị, địa phương.

Đồng chí Cao Thị Hòa An phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: THÚY HẰNG

Đồng chí Cao Thị Hòa An phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: THÚY HẰNG

Chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tại hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (BCĐ) tỉnh, cho biết trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Kết luận 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về thực hành dân chủ; chú trọng phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và Nhân dân được bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát những chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị.

“Qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ tiếp tục được nâng cao, góp phần cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.

Điểm nổi bật trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đó là BCĐ các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2024 gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tập trung tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện Kết luận 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản triển khai hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Với phương châm làm từng bước vững chắc, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn TX Sông Cầu đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, BCĐ thị xã đã chỉ đạo cơ sở, nhất là các phường, xã chú trọng xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, như công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng - đô thị, bảo vệ môi trường, công tác thuế…

Trên cơ sở đó, người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, thảo luận, quyết định nhiều công việc quan trọng gắn với lợi ích chung. Đặc biệt là các khoản thu, chi liên quan đến đóng góp của Nhân dân đều được công khai, minh bạch thông qua các cuộc họp dân ở khu dân cư.

Tương tự, tại TP Tuy Hòa, các cấp ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời trên các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, giải quyết công việc, nhất là trong công tác xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở để kịp thời nắm bắt tư tưởng, tình hình cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Tuy Hòa Huỳnh Ngọc Oánh, trong năm 2024, BCĐ Thành ủy Tuy Hòa đã thành lập đoàn giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tiến hành giám sát trực tiếp tại các địa phương trên địa bàn thành phố... Qua đó kịp thời phát hiện những thiếu sót của các đơn vị để rút kinh nghiệm hoạt động; ghi nhận, nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

“Nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn thành phố về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tích cực. Trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngày càng được nâng cao”, ông Oánh nhìn nhận.

Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà tết cho người nghèo ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG

Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà tết cho người nghèo ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Ảnh: THÚY HẰNG

Để người dân thực sự làm chủ

Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của BCĐ tỉnh cũng cho thấy, thời gian qua, việc tổ chức các hoạt động dân chủ ở các loại hình cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên. Hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa cao, còn lúng túng về nội dung và hình thức trong thực hiện giám sát.

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số có chuyển biến nhưng có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền, phổ biến quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật đến người dân chưa được thực hiện thường xuyên.

Xác định thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là mấu chốt để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đồng chí Cao Thị Hòa An đề nghị: BCĐ các cấp phải hoạt động thực sự hiệu quả, qua đó khơi dậy được khát vọng phát triển của người dân; để mỗi người dân thấy được trách nhiệm của mình trong đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là phát huy tính nêu gương của người đứng đầu trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “Gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với Nhân dân”; đảm bảo thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Gắn việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thường xuyên củng cố kiện toàn và phát huy vai trò của BCĐ; tập huấn sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành để quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị, nhất là phát huy tính nêu gương của người đứng đầu trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với phương châm “Gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với Nhân dân”; đảm bảo thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy,

Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện

Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/325904/phat-huy-dan-chu-o-co-so-xay-dung-niem-tin-voi-nhan-dan.html
Zalo