Phát hiện quan trọng về cư dân thời đá mới tại di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn

Chiều 29/4, tại UBND xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn năm 2025.

Hố khai quật thứ 1 tại Di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn có độ sâu khoảng 3m, nổi bật với những lớp sò điệp, vỏ nhuyễn thể có niên đại hàng ngàn năm xếp chồng lớp lên nhau. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Hố khai quật thứ 1 tại Di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn có độ sâu khoảng 3m, nổi bật với những lớp sò điệp, vỏ nhuyễn thể có niên đại hàng ngàn năm xếp chồng lớp lên nhau. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Buổi báo cáo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bảo tàng Nghệ An, Đại học Quốc gia Australia, cán bộ, nhà nghiên cứu trong nước và nhiều người dân địa phương.

Di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn (Thôn 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2017. Cuộc khai quật tại Cồn Sò Điệp, nằm trong phạm vi di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn được thực hiện từ ngày 18/3 đến ngày 29/3, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo tàng Nghệ An và Đại học Quốc gia Australia thực hiện. Đây là hoạt động tiếp nối chuỗi nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án quốc tế “Thiên niên kỷ bị thiếu và nguồn gốc của nông nghiệp ở Đông Nam Á”, được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Australia. Kết quả khai quật lần này nhằm bổ sung nguồn tư liệu khảo cổ học quan trọng cho nền văn hóa Quỳnh Văn, một nền văn hóa thời kỳ đá mới có niên đại từ khoảng 6.000 đến 4.000 năm cách ngày nay.

Đoàn khai quật đã thám sát và mở ba hố khai quật, sử dụng phương pháp tầng vị học để bóc tách các lớp trầm tích khảo cổ, phản ánh các hoạt động sinh sống của cư dân cổ.

Tại hố 1, khai quật sâu tới tầng sinh thổ ở độ sâu 3,2m, đoàn đã phát hiện nhiều dấu tích sinh hoạt như lỗ cột, bếp nguyên thủy và tàn tích thức ăn, cùng với di vật là công cụ đá, mảnh gốm và hàng trăm viên đá cháy.

Tại hố 2, tuy mới khai quật đến độ sâu hơn 2m đã mang lại những phát hiện đặc biệt về mộ táng với 6 mộ và 8 di cốt, ghi nhận các hình thức mai táng ngồi co bó gối đặc trưng của văn hóa Đa Bút và các nền văn hóa đá mới trong khu vực. Đây là số lượng hài cốt nhiều thứ 2 tính từ lần khai quật đầu tiên cách đây hơn 60 năm. Một số huyệt mộ có hiện tượng cải táng hoặc chôn nhiều thi thể chồng lên nhau, cho thấy các nghi lễ chôn cất phức tạp.

Hố khai quật thứ 2 tại Di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn có độ sâu hơn 3m, là nơi phát hiện 9 bộ di cốt người tiền sử an táng theo tư thế bó gối cùng nhiều hiện vật có từ thời tiền sử. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Hố khai quật thứ 2 tại Di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn có độ sâu hơn 3m, là nơi phát hiện 9 bộ di cốt người tiền sử an táng theo tư thế bó gối cùng nhiều hiện vật có từ thời tiền sử. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ngoài ra, đoàn khai quật cũng đã thu thập hơn 1.000 mẫu than, mẫu phytolith và mẫu đất để tiến hành nghiên cứu chi tiết và xác định niên đại tại Australia.

Những kết quả khai quật không chỉ góp phần làm sáng tỏ quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên của cư dân cổ Quỳnh Văn, mà còn mở ra triển vọng nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa khu vực cư trú và khu vực mộ táng trong xã hội thời kỳ đá mới. Một lần nữa khẳng định tầm vóc, bề dày và giá trị lịch sử của di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn được giới khảo cổ học xếp loại tiêu biểu nhất thuộc hậu kỳ thời đại đá mới ở ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh.

Trước đó, chia sẻ thông tin với báo chí tại di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn, Giáo sư Philip Piper, Khoa Khảo cổ học và Nhân học, Đại học Quốc gia Australia cho biết: Đợt khai quật này sẽ cho nhiều thông tin về lịch sử dân cư Quỳnh Văn, đời sống sinh hoạt và cách người sống ứng xử với người chết. Chúng tôi nhận thấy, cư dân Quỳnh Văn xưa đã có sự phân chia nhất định giữa nơi ở của người sống và nơi chôn cất người chết. Đây là di chỉ thời tiền sử có giá trị không chỉ của riêng Việt Nam mà còn rất quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, trước những mảnh xương có kích thước lớn và nhiều dấu tích bếp lửa được phát hiện trong đợt khai quật này, các nhà khoa học nhận định, người tiền sử ở đây có tầm vóc cơ thể khá lớn, khỏe và có quá trình vận động rất nhiều. Khu vực di chỉ khảo cổ này là nơi mà cư dân cổ Quỳnh Văn đã chọn lựa như một địa điểm đầu tiên để sinh sống, sau đó thì mở rộng nơi sinh sống ra phía Đông của Vịnh Quỳnh Lưu. Do vậy, khu vực Quỳnh Lưu trong giai đoạn văn hóa Quỳnh Văn có rất nhiều địa điểm cồn sò điệp tương đồng với di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn.

Thông tin tại buổi báo cáo cho biết, thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục khai quật sâu hơn địa tầng tại hố 2, hố 3 để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu, đồng thời, bổ sung cơ sở khoa học cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ An.

Tại buổi báo cáo, đoàn khai quật cũng kiến nghị, mặc dù di tích khảo cổ Quỳnh Văn đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2017 và khoanh vùng bảo vệ, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được phát huy đúng với những giá trị vốn có. Thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng bảo vệ thì công tác khai thác, giới thiệu và phát huy giá trị của di tích một cách hợp lý, hiệu quả là nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần chú trọng thực hiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và phục vụ phát triển du lịch văn hóa bền vững.

Đáy hố khai quật thứ 2 trong đợt khai quật khảo cổ phát hiện dấu tích của nhiều bếp lửa trong các tầng văn hóa là chứng minh cho nhận định khu vực Quỳnh Văn là địa điểm cư trú cổ nhất của cư dân thời tiền sử ở vịnh Quỳnh Lưu cách đây hàng ngàn năm. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Đáy hố khai quật thứ 2 trong đợt khai quật khảo cổ phát hiện dấu tích của nhiều bếp lửa trong các tầng văn hóa là chứng minh cho nhận định khu vực Quỳnh Văn là địa điểm cư trú cổ nhất của cư dân thời tiền sử ở vịnh Quỳnh Lưu cách đây hàng ngàn năm. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Văn hóa Quỳnh Văn thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, niên đại mở đầu vào khoảng 6.000 năm và kết thúc vào khoảng 4.000 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu ở đồng bằng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh; thuộc loại hình di tích cồn sò điệp, có độ dày 5 đến 6m, diện tích rộng, cách biển khoảng 1 đến 10km.

Văn hóa Quỳnh Văn được biết đến khi nữ khảo cổ học Madele Colani là người đầu tiên phát hiện và ghi nhận loại hình di tích cồn sò điệp khu vực Cầu Giát (Nghệ An) vào những năm 1930 - 1932. Qua đợt khai quật vào năm 1963, nhà khảo cổ học Phan Ngọc Liễn phát hiện thêm các di vật đá và xương tại xã Quỳnh Văn, mở ra các đợt khai quật quy mô lớn của Viện Khảo cổ học Việt Nam trong giai đoạn 1963-1964, đã phát hiện thêm 5 địa điểm cồn sò điệp chung quanh di tích Quỳnh Văn. Qua đó, chính thức định danh nền văn hóa Quỳnh Văn, một nền văn hóa tiền sử tiêu biểu ven biển. Năm 1976, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và năm 1979, Viện khảo cổ học trong quá trình thám sát đã phát hiện thêm 15 địa điểm mới thuộc văn hóa Quỳnh Văn, trong đó có 2 địa điểm được khai quật là Cồn Đất, Gò Lạp Bắc (ở Nghệ An).

Đến nay, đã có 21 địa điểm văn hóa Quỳnh Văn được ghi nhận. Trong đó có 20 địa điểm thuộc tỉnh Nghệ An, hầu hết được phát hiện và khai quật trước năm 1982, chỉ có địa điểm duy nhất (Rú Điệp, Hà Tĩnh) phát hiện và khai quật năm 2014 - 2015. Các dấu tích cư trú tại các điểm văn hóa Quỳnh Văn bao gồm bếp, mộ táng, công cụ đá, đồ xương, mảnh gốm và nhiều vỏ nhuyễn thể cho thấy lối sống gắn liền với biển của cư dân thời tiền sử sống ven biển cách đây hàng nghìn năm.

Hải An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-hien-quan-trong-ve-cu-dan-thoi-da-moi-tai-di-chi-khao-co-quynh-van-20250429201125854.htm
Zalo