Phát hiện ngôi đền Ai Cập 2.100 tuổi ẩn trong vách đá

Ngôi đền bí ẩn nằm gần thành phố lịch sử Luxor của Ai Cập và có thể được dành riêng để thờ nữ thần đầu sư tử Repit.

Theo Live Science, các nhà khảo cổ học đã trình làng với thế giới những hiện vật đầu tiên được khai quật từ một ngôi đền cổ đại được xây ẩn trong vách đá tại cụm di chỉ Athribis, cách TP Luxor - Ai Cập khoảng 200 km về phía Bắc.

Lối vào căn phòng chứa đồ của ngôi đền cổ Ai Cập vừa được xác định - Ảnh: Đại học Tübingen

Lối vào căn phòng chứa đồ của ngôi đền cổ Ai Cập vừa được xác định - Ảnh: Đại học Tübingen

Những dấu vết đầu tiên của ngôi đền khổng lồ đã được biết đến từ năm 2012, nhưng trong suốt nhiều năm, các nhà nghiên cứu vẫn không biết được di tích lạ lùng họ tìm thấy là cái gì.

Họ chỉ biết rằng đó là một cụm cấu trúc có bề rộng tới 51 m, có các tòa tháp khổng lồ ở lối vào cao đến 18 m.

Bước đột phá xảy ra vào năm 2022, khi các nhà nghiên cứu phát hiện lối vào một căn phòng chưa từng biết ở tòa tháp phía Bắc.

"Chúng tôi đã dỡ bỏ khối trần nhà nặng khoảng 20 tấn bằng cách sử dụng đệm khí, giàn giáo gỗ và con lăn, phát hiện ra căn phòng dài 6 m, rộng gần 3 m" - nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Tübingen (Đức) nói với Sci-News.

Các bước nghiên cứu kỳ công trong 2 năm sau đó cuối cùng đã cho họ biết được các thông tin sơ bộ đầu tiên về khu phức hợp họ đã dày công khai quật hơn một thập kỷ.

Căn phòng họ tìm thấy rõ ràng là phòng chứa đồ của một đền thờ.

Hình ảnh từ trên cao cho thấy tàn tích của một ngôi đền được xây ẩn vào núi - Ảnh: Đại học Tübingen

Hình ảnh từ trên cao cho thấy tàn tích của một ngôi đền được xây ẩn vào núi - Ảnh: Đại học Tübingen

Bên trong căn phòng, họ tìm thấy một bức phù điêu thể hiện cảnh một vị pharaoh đang dâng lễ vật cho nữ thần đầu sư tử Repit và con trai của bà là Kolanthes.

Một số dòng chữ tượng hình được phục hồi cũng cho biết người xây dựng ngôi đền này là pharaoh Ptolemy VIII, thời điểm xây dựng là thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, tức ngôi đền đã hơn 2.100 tuổi.

Họ cũng đã khôi phục được phần nào hiện trạng một hành lang dẫn qua tòa tháp phía Bắc để vào phòng, được trang trí bằng phù điêu và chữ tượng hình.

Hành lang này cũng có hình ảnh nữ thần Repit, trong khi khung cửa đối diện cho thấy thần sinh sản Min (người phối ngẫu của thần Repit), đi cùng với hai sinh vật rất hiếm khi được mô tả, mang đầu của một con chim ưng và một con ibis (cò quăm châu Phi).

“Điểm độc đáo trong kiến trúc đền thờ Ai Cập là cánh cửa thứ hai ở mặt tiền của tháp, dẫn đến một cầu thang trước đây chưa từng biết đến, dẫn qua ít nhất 4 tầng phía trên, hiện đã bị phá hủy và có thể đã được xây dựng lại làm phòng chứa đồ" - các tác giả cho biết.

Một số cấu trúc trang trí đặc trưng, bao gồm bức phù điêu hình rắn hổ mang, chỉ ra rằng có thể còn một cánh cửa khác ở phía sau ngôi đền.

Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục làm việc tại hiện trường với kỳ vọng sẽ khám phá ra các lối đi và căn phòng khác của ngôi đền mà họ tin chắc là hoành tráng này.

Lối vào nói trên giúp họ lần đầu tiên tiếp cận bên trong đền, nhưng "cổng chính" thì có lẽ còn ẩn đâu đó dưới đống đổ nát.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-hien-ngoi-den-ai-cap-2100-tuoi-an-trong-vach-da-19624120411255127.htm
Zalo