Cảnh báo sinh vật ngoại lai đe dọa phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản sông Đà

Giải thi câu thể thao trên hồ Hòa Bình gắn với quảng bá văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch vừa qua, cần thủ Nguyễn Văn Tuấn của Câu lạc bộ câu cá tỉnh Hà Tĩnh đã đoạt giải nhất khi câu được con cá sấu hỏa tiễn 10,95 kg. Điều đáng nói, đây là loài cá săn mồi đặc trưng của vùng Bắc Mỹ, phân bố tự nhiên không có ở Việt Nam. Ở vùng lòng hồ Hòa Bình càng không phải là khu vực phân bố, sinh trưởng của loài được coi là

Giải thi câu thể thao trên hồ Hòa Bình gắn với quảng bá văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch vừa qua, cần thủ Nguyễn Văn Tuấn của Câu lạc bộ câu cá tỉnh Hà Tĩnh đã đoạt giải nhất khi câu được con cá sấu hỏa tiễn 10,95 kg. Điều đáng nói, đây là loài cá săn mồi đặc trưng của vùng Bắc Mỹ, phân bố tự nhiên không có ở Việt Nam. Ở vùng lòng hồ Hòa Bình càng không phải là khu vực phân bố, sinh trưởng của loài được coi là "thủy quái” này.

Con cá sấu hỏa tiễn trọng lượng "khủng" được cần thủ Nguyễn Văn Tuấn, Câu lạc bộ Câu cá tỉnh Hà Tĩnh câu được tại Giải thi câu thể thao trên hồ Hòa Bình vừa qua.

Con cá sấu hỏa tiễn trọng lượng "khủng" được cần thủ Nguyễn Văn Tuấn, Câu lạc bộ Câu cá tỉnh Hà Tĩnh câu được tại Giải thi câu thể thao trên hồ Hòa Bình vừa qua.

Với chiều dài lên đến 150cm, mồm ngắn, hàm răng sắc nhọn như cá sấu, thân tròn lẳn, thon dài như "hỏa tiễn”, cá sấu hỏa tiễn là loài săn mồi phàm ăn, nguy hiểm trong môi trường sinh sống, thức ăn chủ yếu là các loài cá nhỏ và cả thủy cầm. Loại cá này hiện được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nuôi làm cảnh và đáng chú ý khi chúng được phát hiện với cá thể có kích cỡ lớn trên sông Đà, khu vực hồ Hòa Bình. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại sinh vật ngoại lai, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên sông Đà, hồ Hòa Bình.

Choáng và bất ngờ khi có người câu được con cá sấu hỏa tiễn kích thước "khủng" trên lòng hồ Hòa Bình. Đó không chỉ là cảm giác của anh Bùi Văn Đồng ở phường Hữu Nghị (thành phố Hòa Bình) khi tận mắt chứng kiến cần thủ đưa "thủy quái” từ lòng hồ sâu thẳm lên bờ. Anh Bùi Văn Tuân, một người yêu thích môn câu cá trên sông Đà không giấu nổi cảm giác sợ, lo khi thấy kích thước lớn và hàm răng sắc nhọn của loài cá ngoại lai này.

Qua tìm hiểu được biết, cá sấu hỏa tiễn thích nghi cao với các môi trường sống đa dạng, trong điều kiện nuôi nhốt chật hẹp chúng vẫn có thể phát triển dài hàng mét, nặng từ 5 - 7kg. Đây là loài sinh vật ngoại lai được đưa vào Việt Nam theo con đường không chính thức nhằm phục vụ nhu cầu chơi cá cảnh của người dân. Cá sấu hỏa tiễn có giá từ 150 - 300 nghìn đồng/con giống. Khi không còn nhu cầu nuôi làm cảnh, người nuôi thường phóng sinh ra môi trường tự nhiên. Với cấu trúc cơ thể ưu việt cho việc di chuyển, tấn công con mồi nhanh và khả năng ngụy trang, ẩn nấp trong môi trường nước hơn hẳn so với các loài cá bản địa, cá sấu hỏa tiễn dễ dàng bắt được các loài cá nhỏ và cả thủy cầm.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện môi trường sống hết sức thuận lợi với nguồn nước chảy dồi dào cùng lượng thức ăn phong phú là các loại thủy sản bản địa, cá sấu hỏa tiễn sinh sống tại khu vực lòng hồ Hòa Bình có thể dễ dàng phát triển đến kích cỡ tối đa. Chúng cạnh tranh mạnh về thức ăn, nơi sinh sản và nghiêm trọng hơn là nguy cơ suy giảm nhanh số lượng các loài thủy sản đặc trưng làm nên thương hiệu cá sông Đà. Nguy hiểm hơn, trứng cá sấu hỏa tiễn còn chứa độc tố gây ngộ độc cho người khi ăn phải. Điển hình như vào tháng 5/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận, điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn phải trứng loại cá này.

Đồng chí Đặng Thị Duyên, Chi cục phó Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Trách nhiệm quản lý các loài thủy sản ngoại lai, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản không chỉ của cơ quan Nhà nước mà còn ở ý thức của chính người dân. Đối với các loài thủy sản bản địa, Nhà nước luôn khuyến khích người dân thả những con giống chất lượng về môi trường tự nhiên để bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, đối với các loài ngoại lai như cá sấu hỏa tiễn, người dân khi đánh bắt được hoặc khi không còn nhu cầu nuôi làm cảnh cần tiêu hủy cá, tuyệt đối không thả lại môi trường tự nhiên để bảo vệ các loài thủy sản bản địa. Bên cạnh đó, khi chế biến loài cá này để ăn, người dân cũng phải hết sức cẩn trọng, loại bỏ hết các bộ phận chứa độc tố để đảm bảo an toàn.

Vũ Đình Huy

(Công an tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/196162/canh-bao-sinh-vat-ngoai-lai-de-doaphat-trien-ben-vung-nguon-loi-thuy-san-song-da.htm
Zalo