Phát hiện khu rừng cổ thụ trên hòn đảo không có cây
Các nhà nghiên cứu phát hiện rừng cổ thụ dưới lòng đất vùng Falkland - nơi vốn không có cây nào mọc ngoài cây bụi và thảm thực vật thấp tồn tại hàng nghìn năm, theo CNN.
Hàng chục nghìn năm qua, quần đảo Falkland lộng gió ở Nam Đại Tây Dương chỉ có tràng cỏ. Sự phát hiện dấu tích cây cổ thụ dưới lòng đất gần 6 m thu hút sự chú ý các nhà khoa học.
"Điều này thật sự kỳ lạ. Chúng tôi chắc chắn rằng không có cây cối nào mọc ở đây trong thời gian dài. Falkland là vùng đất đầy gió và cằn cỗi. Tôi tự hỏi những thân cây mới phát hiện có bao nhiêu tuổi", tiến sĩ Zoë Thomas, một giảng viên địa-vật lý tại Đại học Southampton (Anh Quốc), cho biết.
Theo CNN, phần cây vừa khai quật được bảo quản nguyên sơ đến mức giống như gỗ lũa. Sự hiện diện của hóa thạch cây cho thấy hòn đảo này từng là nơi có rừng nhiệt đới - một hệ sinh thái khác biệt đáng kể so với môi trường hiện tại của hòn đảo.
Nhưng câu chuyện về khu rừng ẩn này thậm chí còn đi xa hơn những gì các nhà nghiên cứu nghĩ. Theo đó, phần còn lại của cây "quá già" để xác định niên đại bằng carbon phóng xạ (carbon-14) - một đồng vị được dùng trong phương pháp định tuổi các cổ vật có chất liệu hữu cơ lên đến 50.000 năm tuổi.
Thay vào đó, nhóm các nhà khoa học quốc tế sử dụng phấn hoa và bào tử siêu nhỏ được tìm thấy trong than bùn để tìm câu trả lời.
Michael Donovan, giám đốc bộ sưu tập cổ thực vật học tại Bảo tàng Field Chicago (Mỹ), cho biết phấn hoa hóa thạch là dấu hiệu của một khoảng thời gian địa chất cụ thể. Do đó, sự hiện diện của các hạt bào tử đực từ nhị hoa này có thể giúp xác định tuổi của một địa điểm hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu vận chuyển phần còn lại của gỗ và các mẫu của lớp than bùn về phòng thí nghiệm tại Đại học New South Wales, Australia. Sử dụng kính hiển vi điện tử để tạo ra hình ảnh chi tiết cao về gỗ và cấu trúc tế bào.
Tại đây, nhóm cũng phân tích nhiều loại bào tử được nén chặt và niêm phong trong cùng một lớp than bùn với gỗ. Các hồ sơ phấn hoa cho thấy rằng thân cây và cành cây có niên đại 15-30 triệu năm tuổi.
"Chúng tôi giới hạn độ tuổi của hóa thạch dựa trên độ tuổi của các loài phấn hoa từ đá Patagonia và so sánh với hệ thực vật có tuổi tương tự từ miền nam Patagonia và Nam Cực”, Donovan cho hay.
Thông qua kết luận trên, nhóm phân tích xác định thêm khí hậu ở quần đảo Falkland hàng triệu năm trước khá ẩm ướt và ấm hơn so với ngày nay nhưng mát hơn các khu rừng nhiệt đới như Amazon. Song điều kiện vẫn đủ để hỗ trợ một hệ sinh thái phong phú, đa dạng cho đời sống thực-động vật.
Quần đảo Falkland có diện tích khoảng 130 km2. Điểm đến có khí hậu tương đối khắc nghiệt nhưng phù hợp cho du khách yêu thích nhiên, cảnh quan hoang sơ, khám phá loài chim cánh cụt. Điểm nhấn của đảo là đời sống động vật hoang dã phong phú.
Năm 2022, đảo đón khoảng 3.519 người từ nơi khác, trong đó 787 người là du khách đến Falkland với mục đích du lịch, khám phá, theo báo cáo ngành du lịch tại đảo.