Phát hiện hóa thạch thực vật nhỏ bé có niên đại 410 triệu năm

Theo các nhà nghiên cứu của Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, loài thực vật Zosterophyllum được phát hiện chỉ cao 45mm, với gai bào tử chỉ dài 5,8-10,8mm.

Hình ảnh một phần hệ thực vật Mangshan đầu kỷ Devon, với quần thể thực vật Zosterophyllum ở phía trước. (Nguồn: Science Photo)

Hình ảnh một phần hệ thực vật Mangshan đầu kỷ Devon, với quần thể thực vật Zosterophyllum ở phía trước. (Nguồn: Science Photo)

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một loài thực vật nhỏ bé có niên đại khoảng 410 triệu năm ở thành phố Đô Quân, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, cung cấp những hiểu biết mới về quá trình “thực vật xâm chiếm đất liền."

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Royal Society B ngày 15/1.

Theo các nhà nghiên cứu của Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, loài thực vật Zosterophyllum được phát hiện chỉ cao 45mm, với gai bào tử chỉ dài 5,8-10,8mm.

Ngược lại với chiều dài thông thường từ 100-200mm của các loại cây tương tự thời đó, kích cỡ nhỏ bé của loại thực vật này đặc biệt hiếm thấy.

Các nhà nghiên cứu tin rằng loài thực vật nhỏ đòi hỏi ít chất dinh dưỡng, khả năng có tuổi thọ ngắn và kết thúc vòng đời sớm. Khả năng thích ứng này được cho là phù hợp với môi trường nhiều biến đổi và trở thành chiến lược sinh tồn của thực vật vào thời kỳ đó.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh thực vật trên cạn trong giai đoạn phát triển ban đầu có thể hình thành các chiến lược sinh tồn đa dạng để vượt qua áp lực môi trường phức tạp, hoàn tất quá trình “thực vật xâm chiếm đất liền” và cuối cùng phủ xanh Trái Đất.

Theo các chuyên gia, khoảng 430 triệu năm trước, thực vật bắt đầu quá trình chuyển từ đại dương sang đất liền. Điều này thay đổi đáng kể môi trường sinh thái của Trái Đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-hoa-thach-thuc-vat-nho-be-co-nien-dai-410-trieu-nam-post1007678.vnp
Zalo