Kho báu 76.000 tuổi tiết lộ về bộ tộc 'siêu nhân'

Một kho báu khảo cổ có thể định hình lại lịch sử nhân loại đã được tìm thấy giữa rừng mưa xích đạo châu Phi.

Tại cụm di chỉ Río Campo nằm ẩn sâu trong rừng già Guinea Xích Đạo, các nhà khoa học đã tìm thấy một kho báu khảo cổ lớn, là bằng chứng lâu đời nhất trên thế giới về sự sinh sống có tổ chức của con người trong môi trường rừng mưa xích đạo.

Các phát hiện bao gồm 418 công cụ bằng đá. Với vai trò của chúng vào thời điểm được chế tác, cách chúng được chế tác, niên đại lên tới 40.000 và thông tin đột phá chúng mang lại, đó là một phát hiện vô song.

Một số công cụ đá thuộc kho báu khảo cổ vừa được khai quật ở Guinea Xích Đạo - Ảnh: IPHES-CERCA

Một số công cụ đá thuộc kho báu khảo cổ vừa được khai quật ở Guinea Xích Đạo - Ảnh: IPHES-CERCA

Theo Heritage Daily, các nghiên cứu về quá trình tiến hóa của con người thường tập trung vào các vùng khô cằn và bán khô cằn của châu Phi.

Thế nhưng những gì mới được phát hiện cho thấy có những bộ tộc sơ khai đã tồn tại ở những nơi tưởng chừng không thể sống nổi.

Năng lực "siêu nhân" để họ đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt thực ra khả năng chế tác công nghệ "đi trước thời đại", theo nhóm tác giả từ MCNN-CSIC và IPHES-CERCA ở Tây Ban Nha.

MCNN-CSIC và IPHES-CERCA là tập hợp nghiên cứu gồm Bảo tàng Khoa học tự nhiên quốc gia, Hội đồng Nghiên cứu khoa học quốc gia, Viện Khảo cổ học và tiến hóa xã hội con người Catalonia, Hiệp hội Các trung tâm nghiên cứu Catalonia.

Họ đã kiểm tra 30 mỏm đá trong khu vực Río Campo, trong đó có 16 mỏm đá đã đem lại 418 công cụ đá nói trên.

Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ và phát quang kích thích quang học (OSL), họ xác định các công cụ này có niên đại từ 76.000 đến 20.000 năm trước.

Mặc dù cổ xưa đến thế, chúng được đánh giá là rất tinh vi, phản ánh nghề thủ công tiên tiến và các chiến lược văn hóa thích ứng.

Chính khả năng sáng chế công cụ vượt trội này đã giúp những người sở hữu chúng định hướng thảm thực vật rậm rạp, nhiệt độ khắc nghiệt và các nguồn tài nguyên không thể đoán trước để sinh sống.

GS Antonio Rosas, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Quaternary Science Reviews, cho biết kho báu khảo cổ này đã làm thay đổi hiểu biết của nhân loại về cách mà tổ tiên của chúng ta thích nghi với các môi trường khác nhau.

“Với kết quả từ Rio Campo, chúng tôi mở rộng bản đồ về hành vi của con người thời tiền sử và đặt Trung Phi là một phần cơ bản trong quá trình tiến hóa về mặt văn hóa và sinh học của loài người chúng ta” - GS Rosas nói thêm.

Khám phá này cũng cho thấy rằng rừng nhiệt đới - ngay cả ở khu vực xích đạo - là bối cảnh thiết yếu trong lịch sử tiến hóa của con người hiện đại, bất chấp hàng loạt điều kiện bất lợi.

Điều này không chỉ viết lại một chương quan trọng của lịch sử nhân loại mà còn góp phần giải thích vì sao người Homo sapiens chúng ta vẫn trụ vững trên hành tinh cho đến ngày nay, trong khi các loài người anh em khác đã lần lượt tuyệt chủng.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-bau-76000-tuoi-tiet-lo-ve-bo-toc-sieu-nhan-196250115113501982.htm
Zalo