Mỹ và Nhật Bản phóng tàu đổ bộ lên Mặt trăng
Công ty ispace của Nhật Bản và công ty Firefly Aerospace của Mỹ phóng thành công hai tàu đổ bộ lên Mặt trăng bằng tên lửa SpaceX ở Florida (Mỹ).
Hôm 15/1, công ty ispace có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) phóng thành công tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 2 lên Mặt trăng sau lần phóng đầu tiên vào tháng 4/2023 thất bại, do tính toán sai độ cao.
Cùng thời điểm, công ty Mỹ Firefly Aerospace có trụ sở tại Texas (Mỹ) cũng thành công tàu đổ bộ Blue Ghostt lên Mặt trăng. Thành công này giúp công ty Firefly Aerospace trở thành công ty thứ ba trên thế giới phóng tàu đổ bộ lên Mặt trăng theo chương trình Dịch vụ Tải trọng Mặt trăng Thương mại (CLPS) của NASA.
“Việc Firefly Aerospace và ispace cùng nhau phóng tàu đổ bộ là biểu tượng cho sứ mệnh thương mại đang phát triển lên Mặt trăng", CEO của ispace Takeshi Hakamada phát biểu tại sự kiện ở Tokyo.
Trong những năm gần đây, các quốc gia và công ty tư nhân trên toàn thế giới tập trung nhiều vào Mặt trăng, vì nơi đây có tiềm năng đặt căn cứ cho phi hành gia cũng như nắm giữ nhiều nguồn tài nguyên có thể khai thác cho ứng dụng trong không gian.
Đồng thời, Mặt trăng còn giúp biến vệ tinh tự nhiên của Trái đất thành "sân khấu" uy tín và cạnh tranh địa chính trị tương tự cuộc chạy đua vào không gian thời Chiến tranh Lạnh.
Dự kiến tàu đổ bộ Hakuto hạ cánh xuống bề mặt của Mặt Trăng sau 4 - 5 tháng kể từ khi phóng. Nó đi theo đường bay tiết kiệm năng lượng, chủ yếu dựa vào lực hấp dẫn của Trái đất và Mặt trăng trong một loạt chuyến bay quanh co để điều hướng quỹ đạo.
Trong khi đó, tàu Blue Ghost của Firefly đáp xuống bề mặt của Mặt Trăng sau 45 ngày kể từ khi phóng. Tàu đổ bộ này mang theo 10 tải trọng từ nhiều khách hàng do NASA tài trợ và một tải trọng từ Honeybee Robotics thuộc sở hữu của Blue Origin.
Nhiệm vụ của hai tàu đổ bộ kéo dài trong vòng một ngày trên Mặt trăng hoặc khoảng hai tuần. Bởi vì chúng không thể tồn tại quá lâu ở nhiệt độ quá thấp.
"Chúng tôi đã đầu tư vào việc đưa con người lên mặt trăng và tôi nghĩ mọi người đều muốn chúng tôi quay trở lại Mặt trăng", Tiến sĩ Nicky Fox Giám đốc Ban thực hiện Sứ mệnh Khoa học của NASA cho hay khi được hỏi về những thay đổi tiềm tàng đối với chương trình Mặt trăng.