Kiếm tiền tỷ từ nghề nuôi rắn hổ mang
Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi rắn hổ mang, anh Phan Thanh Bình, ngụ xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) được nhiều người gọi vui là 'Vua nuôi rắn hổ miền Tây'. Anh sở hữu trại rắn có quy mô lớn nhất vùng, thường xuyên đón tiếp đoàn khách từ các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực phía Bắc đến giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Mô hình kinh tế hiệu quả
Trại rắn của anh Bình tuân thủ các quy định về chăn nuôi động vật hoang dã, an toàn và biệt lập. Nằm giữa cánh đồng lúa xanh mát, trại rắn như một điểm nhấn khác lạ. Với quy mô 4.000 cá thể, trong đó 1.000 cá thể là rắn bố mẹ, anh Bình đã biến nghề nuôi rắn hổ mang thành mô hình kinh tế hiệu quả, mang về nguồn thu nhập ổn định.
Anh Bình cho biết, quá trình khởi nghiệp nuôi rắn hổ mang của anh cũng không dễ dàng. Gần 10 năm khởi nghiệp nhưng khoảng 2 năm nay mới đi vào quỹ đạo và có lợi nhuận ổn định. Trước khi “bén duyên” với nghề, anh Bình đã trải qua nhiều mô hình khác, song chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Năm 2015, anh Bình biết đến nghề nuôi rắn hổ mang. Nghĩ bụng loài rắn này sẽ là tiềm năng, sau khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cấp giấy phép, anh mạnh dạn mua 70 con rắn giống thả nuôi trong chuồng heo sau nhà. Thời gian đầu, anh thả rắn đực, cái cộng sinh trong diện tích nhỏ nên chúng cắn xé lẫn nhau, tranh giành thức ăn. Ngoài ra, khi nuôi nhốt chung, chuồng rắn không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ dễ phát sinh mầm bệnh.
“Vì không biết cách chăm sóc, rắn không thích nghi được, lứa đầu tiên hao hụt nhiều lắm. Tôi cũng không bỏ cuộc, cứ tái đàn thêm và thay đổi cách làm chuồng trại, tạo môi trường bán hoang dã cho rắn sinh trưởng, phát triển”, anh Bình cho hay.
Nuôi rắn hổ mang không khó nhưng phải biết cách xây dựng chuồng trại và theo dõi tình trạng sức khỏe của rắn, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Chuồng nuôi phải được xây bằng gạch kiên cố, gồm chuồng đứng hoặc chuồng nằm nhưng phải có lưới và khóa cẩn thận để tránh cho rắn bò đi, đồng thời đảm bảo an toàn cho người nuôi. Nơi rắn ở phải khô ráo, thoáng mát, không bị dột nước, đảm bảo nhiệt độ ổn định 30-32 độ C. Mỗi con rắn hổ mang sẽ nằm trong từng hộc xi măng nhỏ, bên trong có rải lớp đất, tạo môi trường gần giống tự nhiên cho rắn trú ngụ.
50 con rắn con được nuôi trong chuồng khoảng 2 mét vuông. Rắn lớn phải nhốt riêng, chiều dài chuồng 1m, rộng 40cm. Việc sinh sản của rắn cũng được anh Bình thực hiện một cách khoa học. Anh học cách cho rắn phối giống để kiểm soát chất lượng. Rắn hổ mang nuôi khoảng 2 năm có thể ghép cặp sinh sản. Vào tháng 9, 10 âm lịch, khi thấy đàn rắn có dấu hiệu bỏ ăn, di chuyển nhiều, là lúc chúng có nhu cầu phối giống. Một con rắn cái có thể đẻ 20 - 30 trứng, anh gom trứng lại ấp trong môi trường cát ẩm khoảng 45 ngày, tỷ lệ nở đạt từ 95%.
“Có công mài sắt...”
Tham quan trại rắn của anh Bình, nơi này được chia ra nhiều khu, xây dựng khép kín. Anh Bình nói vui rằng, năm nào bán rắn có lời nhiều thì mở rộng cơ sở, xây thêm chuồng trại nên các khu nuôi nhốt rắn không nằm liền kề nhau. Bước vào khu nuôi rắn, hàng loạt con rắn từ các hộc xi măng ngóc đầu, thở phì phì qua lớp cửa lưới. Anh Bình đã quá quen với âm thanh và hình ảnh này. Anh tiến đến gần các chuồng nuôi, lia đèn pin. Một tay anh Bình mở cửa hộc, tay còn lại cầm gậy sắt dài có móc phía trên thò vào bên trong kéo từng con hổ mang ra ngoài để kiểm tra thể trạng. Một con rắn hổ phùng mang định bổ nhào, anh Bình khéo léo dùng thanh sắt xử lý.
Gắn bó nghề nuôi rắn hổ mang gần một thập kỷ, anh Bình có nhiều kỷ niệm khó quên. Những ngày đầu, để bắt rắn, anh dụ chúng vào chiếc ống giống như trúm rồi thả vào lưới. Quen dần, anh mới chuyển qua bắt bằng gậy có móc sắt. Tuy thuần thục nhưng anh Bình vẫn không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Anh kể, một lần trong lúc bắt rắn bỏ vào lưới, răng nanh rắn va quẹt làm xước bàn tay. Ngay lập tức, anh tự sơ cứu tại chỗ và nói người thân đưa đến bệnh viện xử lý vết thương.
Anh Bình phân tích rằng, khí hậu miền Tây rất thích hợp nuôi rắn hổ mang, vì chúng không ngủ đông khi chuyển mùa. Cách thức làm chuồng cũng đơn giản hơn, không phải xây chuồng nhiệt, xông đèn giữ ấm qua mùa đông. Một bí quyết để nuôi rắn hổ mang thành công, đó là người nuôi cần thường xuyên chăm sóc, hạn chế tình trạng rắn ăn lẫn nhau, giảm thiểu vấn đề hao hụt số lượng. Về thức ăn của rắn hổ mang, anh nói cũng khá đơn giản, cứ 4 ngày, anh Bình cho rắn hổ mang ăn một lần, khẩu phần ăn là vịt con đã làm sạch lông. Chi phí thức ăn, mỗi tháng dao động từ 30 đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra khâu đầu tư chuồng trại, con giống khá cao nên người nuôi rắn hổ mang ở miền Tây khá hạn chế. “Nếu nuôi 1.000 con rắn hổ mang, người nuôi phải tốn khoảng 500 triệu đồng để làm chuồng, rắn giống, thức ăn và nuôi ít nhất hai năm mới có thể xuất bán. Nhiều người dù đam mê nhưng cũng khó gắn bó được lâu dài”, anh Bình tiết lộ.
Thời điểm xuất bán rắn thương phẩm thường rơi vào tháng 2 kéo dài đến tháng 6. Rắn thương phẩm đang có mức giá ổn định từ 600.000 - 700.000 đồng/kg. Thương lái đến tận nơi thu mua, vận chuyển ra khu vực phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc. “Mấy năm đầu, mình nuôi không có lợi nhuận vì rắn hao hụt. Qua nhiều đợt nuôi mới, tôi lựa được những con có chất lượng tốt để nhân giống. Đến khi trại có số lượng và chất lượng ổn định, dịch COVID-19 ập đến nên không xuất bán được.
Hai năm nay, kinh tế dần phục hồi, có thị trường xuất khẩu nên việc tiêu thụ rắn hổ mang có nhiều khởi sắc, xuất bán đều đặn. Năm 2023, tôi xuất 2 tấn rắn thương phẩm. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, sản lượng xuất bán sẽ tăng gấp đôi. Mỗi năm, cứ có lợi nhuận, tôi tiếp tục tăng đàn, nâng diện tích trại để đáp ứng nhu cầu thị trường”, anh Bình nói.
Ngoài rắn thương phẩm, anh Bình còn bán con giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi có nhu cầu. Giá bán rắn hổ mang giống dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/ con, tùy ngày tuổi, kích cỡ. “Rắn mới nở đã có thể xuất bán rắn giống nhưng khách hàng thích rắn lớn cỡ ngón tay cái, vì giai đoạn đó chúng ăn nhiều rồi, nuôi sẽ mau lớn. Bình quân nuôi 2 - 3 tháng sẽ đạt trọng lượng như thế. Còn rắn thương phẩm thì khoảng 17 tháng mới xuất bán, lúc này trọng lượng rắn đạt từ 2kg”, anh Bình nói thêm.
Câu chuyện của anh Bình không chỉ là một minh chứng cho khả năng khởi nghiệp thành công từ những ngành nghề độc đáo mà còn là nguồn cảm hứng cho những nông dân dám nghĩ dám làm và không ngại thử thách.