Hàn Quốc công bố báo cáo sơ bộ vụ tai nạn máy bay khiến 179 người thiệt mạng

Ngày 27/1, Ủy ban Điều tra Tai nạn hàng không và đường sắt, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã công bố báo cáo sơ bộ liên quan đến vụ tai nạn máy bay Jeju Air tại sân bay Muan hồi cuối tháng 12/2024.

3 lần gửi tín hiệu khẩn cấp va chạm với chim

Báo cáo của Ủy ban Điều tra Tai nạn hàng không và đường sắt bao gồm những phát hiện mới nhất về vụ tai nạn, lịch sử hoạt động và bảo trì của máy bay, kinh nghiệm bay của phi công và tình hình tại hiện trường khi xảy ra tai nạn.

Ủy ban Điều tra nghi ngờ ngỗng thiên nga đã bị hút vào cả hai động cơ của máy bay, nhất là khi nhóm điều tra phát hiện lông và máu tại hai vị trí này. (Ảnh: Korea Herald)

Ủy ban Điều tra nghi ngờ ngỗng thiên nga đã bị hút vào cả hai động cơ của máy bay, nhất là khi nhóm điều tra phát hiện lông và máu tại hai vị trí này. (Ảnh: Korea Herald)

Theo đó, chuyến bay 7C2216 cất cánh lúc 2h30 sáng ngày 29/12/2024 tại Thái Lan (giờ địa phương), chở tổng cộng 181 người, bao gồm 6 thành viên phi hành đoàn và 175 hành khách.

Đến khoảng 8h54 sáng (giờ Hàn Quốc), máy bay đã liên lạc lần đầu tiên với đài kiểm soát không lưu sân bay Muan để yêu cầu hạ cánh và được chấp thuận hạ cánh trên đường băng số 1.

Sau khi nhận lệnh hạ cánh, đến 8h57, đài kiểm soát không lưu cảnh báo phi công cẩn thận va chạm với chim trong quá trình tiếp cận đường băng 01.

Ngay sau đó, hộp đen máy bay dừng ghi lại hành trình lúc 8h58 sáng 29/12/2024, khoảng 4 phút 7 giây trước khi máy bay đâm vào kết cấu dạng bờ kè cuối đường băng sân bay Muan.

Vào thời điểm này, máy bay đang bay trên biển, cách điểm xuất phát đường băng số 1 của sân bay Muan khoảng 1,1 hải lý (tương đương 2.037 mét) về phía Nam.

Khi chuẩn bị hạ cánh, tốc độ máy bay giảm xuống 161 hải lý/h (khoảng 298km/h), độ cao 498 feet (khoảng 151 mét).

Máy bay đã 3 lần gửi tín hiệu khẩn cấp do va chạm với chim và bắt đầu tăng độ cao. Sau đó, khi bay qua phía bên trái đường băng số 1, máy bay rẽ phải để hạ cánh trên đường băng 19 theo hướng ngược lại. Máy bay hạ cánh mà không mở bánh đáp, sau đó đâm trúng kết cấu bê tông cuối đường băng.

Ủy ban Điều tra nghi ngờ ngỗng thiên nga đã bị hút vào cả hai động cơ của máy bay, nhất là khi nhóm điều tra phát hiện lông và máu tại hai vị trí này. Tuy nhiên hiện cơ quan chức năng chưa thể xác định thời điểm chính xác, số lượng chim đâm vào máy bay và liệu có những loài chim khác liên quan đến vụ tai nạn máy bay hay không.

Động cơ bị chôn vùi sau tai nạn

Về tình hình thời tiết, môi trường xung quanh thời điểm máy bay gặp nạn, tốc độ gió khoảng 2 hải lý/h (khoảng 3,7km/h). Tầm nhìn xa 9km, mây xuất hiện ở độ cao 4.500 feet (khoảng 1,37km), nhiệt độ khoảng 2 độ C và áp suất không khí khoảng 1.028 hPa.

Theo báo cáo, những thông số trên không có gì khác thường, không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của máy bay.

Cả hai động cơ máy bay bị chôn vùi sau vụ tai nạn. (Ảnh: Korea Times)

Cả hai động cơ máy bay bị chôn vùi sau vụ tai nạn. (Ảnh: Korea Times)

Máy bay liên quan đến sự việc là máy bay Boeing 737-800 (số đăng ký HL8088), do hãng Boeing sản xuất tại Mỹ, lần đầu tiên giao cho hãng hàng không giá rẻ châu Âu Ryanair vào ngày 4/9/2009, được hãng Jeju Air (Hàn Quốc) thuê vào ngày 3/2/2017.

Cơ trưởng có tổng thời gian bay là 6.823 giờ, với 6.096 giờ làm việc trên máy bay Boeing 737-800 và 2.559 giờ bay với vai trò là cơ trưởng. Cơ phó có kinh nghiệm bay tổng cộng 1.650 giờ, trong đó 1.339 giờ trên máy bay Boeing 737-800.

Sau khi va chạm với cấu trúc bê tông, máy bay phát nổ, ngọn lửa lớn bùng lên. Hai động cơ máy bay bị vùi trong đất, còn phần trước của thân máy bay bị văng ra xa trong phạm vi 30-200 mét tính từ cấu trúc bê tông.

Sự cố khiến tổng cộng 179 người thiệt mạng, bao gồm 4 thành viên phi hành đoàn cùng 175 hành khách. Hai thành viên phi hành đoàn còn lại bị thương nặng.

Báo cáo cũng bao gồm hình ảnh hiện trường vụ tai nạn và hình ảnh động cơ bị chôn vùi trong đất.

Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ điều tra toàn diện tất cả vụ việc máy bay va chạm với chim, tháo rời động cơ để kiểm tra, phân tích dữ liệu hộp đen, hồ sơ kiểm soát không lưu, kiểm tra chi tiết các bộ phận và thiết bị điều hướng để làm rõ nguyên nhân chính xác gây ra vụ tai nạn.

Ngoài ra, Ủy ban Điều tra đang hợp tác với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) và Cục Điều tra và Phân tích (BEA) tại Pháp để điều tra vụ tai nạn.

Theo Công ước Hàng không Dân dụng Quốc tế, các cơ quan điều tra phải gửi báo cáo sơ bộ cho Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và các quốc gia có liên quan trong vòng 30 ngày kể từ khi xảy ra sự cố để chia sẻ kết quả điều tra ban đầu.

Ủy ban Điều tra của Hàn Quốc đã gửi báo cáo sơ bộ này cho tất cả quốc gia tham gia sản xuất thân máy bay và động cơ bao gồm Mỹ và Pháp, cũng như Thái Lan, nơi máy bay khởi hành và đăng tải báo cáo này lên trang web của Ủy ban.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-quoc-cong-bo-bao-cao-so-bo-vu-tai-nan-may-bay-khien-179-nguoi-thiet-mang-192250127124352231.htm
Zalo