Phát hiện bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự sống ngoài Trái đất

Các nhà khoa học vừa tìm thấy thứ họ gọi là dấu hiệu mạnh mẽ nhất về sự sống có thể tồn tại ngoài hệ mặt trời của chúng ta.

Ảnh: Sky News

Ảnh: Sky News

Theo Sky News, thông tin trên được công bố sau khi các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb phát hiện dấu vết hóa học của khí dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) trên một hành tinh mang tên K2-18B.

Trên Trái đất, các loại khí đó được sản sinh chủ yếu từ các sinh vật sống, gồm cả tảo. Điều này cho thấy, K2-18B có thể chưa đầy sự sống của vi sinh vật. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, phát hiện này không phải thông báo về việc tìm ra các sinh vật sống thực sự, mà là chỉ báo về một quá trình sinh học.

Hành tinh K2-18b nằm cách Trái đất khoảng 124 năm ánh sáng, trong chòm sao Leo, có khối lượng gấp 8,6 lần Trái đất và có đường kính lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 2,6 lần. Hành tinh này quay quanh "một vùng có thể sinh sống", nơi nước ở dạng lỏng, một thành phần quan trọng đối với sự sống có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh.

Chuyên gia Nikku Madhusudhan thuộc Viện Thiên văn học của Đại học Cambridge cho biết, đây là "thời khắc chuyển đổi trong hành trình tìm kiếm sự sống ngoài hệ mặt trời". Các quan sát trước đó bằng kính viễn vọng Webb ghi nhận khí metan và CO2 trong bầu khí quyển của K2-18B.

Đây là lần đầu tiên các phân tử gốc carbon được tìm thấy trong khí quyển của một hành tinh ngoài hệ mặt trời, trong vùng có thể sinh sống của một ngôi sao.

Christopher Glein, nhà khoa học chính tại ban khoa học vũ trụ của Viện Nghiên cứu Tây Nam Mỹ khuyến cáo: "Dữ liệu phong phú từ K2-18b khiến thiên thể này trở thành một thế giới hấp dẫn. Những dữ liệu mới nhất là đóng góp quý giá cho hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải rất cẩn thận để kiểm tra dữ liệu một cách kỹ lưỡng nhất có thể".

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-hien-bang-chung-manh-me-nhat-ve-su-song-ngoai-trai-dat-2392577.html
Zalo