Tàu NASA tìm ra bằng chứng quyết định về sự sống ngoài hành tinh

Tàu săn sự sống Curiosity đã tìm thấy bằng chứng tại chỗ đầu tiên về chu trình carbon trên hành tinh đỏ cổ đại, xác minh nơi này có thể sống được.

"Điều này cho chúng ta biết rằng hành tinh này có thể sinh sống được và các mô hình về khả năng sinh sống là chính xác" - nhà địa hóa học Benjamin Tutolo từ Đại học Calgary (Canada) nói về phát hiện đột phá của tàu săn sự sống Curiosity.

Curiosity là một tàu đổ bộ robot dạng xe tự hành, hiện thám hiểm Sao Hỏa với mục tiêu chính là tìm kiếm bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh.

Curiosity là tàu săn sự sống đang làm việc trên Sao Hỏa - Ảnh đồ họa: NASA

Curiosity là tàu săn sự sống đang làm việc trên Sao Hỏa - Ảnh đồ họa: NASA

Theo Science Alert, một trong những câu đố lớn nhất liên quan đến sự sống mà NASA cho là từng tồn tại trên Sao Hỏa là khả năng sở hữu nước lỏng của nó.

Mọi bằng chứng chúng ta có được đều chỉ ra đó là một hành tinh giàu nước lỏng trên bề mặt, với các hồ và đại dương vỗ, vỗ và đập vào bờ thành từng đợt sóng. Thời kỳ đó xảy ra vào khoảng 3 tỉ năm trước.

Để đủ ấm và ổn định cho lượng nước lỏng này, bầu khí quyển của Sao Hỏa cần một lượng lớn carbon dioxide do các núi lửa từng phun trào trên bề mặt hành tinh thải ra.

Phần lớn lượng khí carbon dioxide này sẽ rò rỉ ra ngoài không gian, nhưng vẫn đủ để làm ấm hành tinh đỏ và để lại dấu vết trong các khoáng chất trên bề mặt.

Nhưng có một vấn đề nhỏ.

"Các mô hình dự đoán rằng khoáng chất carbonat có thể phân bố rộng rãi, nhưng cho đến nay, các cuộc điều tra bằng tàu đổ bộ lẫn tàu quỹ đạo vẫn chưa tìm thấy nhiều bằng chứng về sự hiện diện của chúng" - TS Tutolo nói.

Thế nhưng khi lật lại bộ dữ liệu những năm 2022-2023 mà Curiosity từng thu thập, họ đã có phát hiện sốc.

Tại một địa điểm ở Gale Crater mà Curiosity nghiên cứu - được cho là một lưu vực sông cổ đại - con robot này đã phân tích nhiễu xạ tia X đối với các khoáng chất từ các phần khác nhau của đáy hố bằng thiết bị hóa học và khoáng vật học tích hợp trên tàu.

Họ đã sửng sốt khi phát hiện tinh thể siderite tinh khiết tại 3/4 lỗ mà Curiosity khoan vào hành tinh đó.

Siderite là một loại khoáng chất sắt carbonat với nồng độ cao - dao động từ khoảng 5% đến hơn 10% theo trọng lượng - trong các lớp giàu magie sunfat.

Dựa trên nguồn gốc và thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu suy ra rằng siderite được hình thành từ phản ứng giữa nước và đá cũng như sự bốc hơi, cho thấy carbon dioxide đã được cô lập về mặt hóa học từ bầu khí quyển Sao Hỏa vào các loại đá trầm tích.

Nếu thành phần khoáng chất của các lớp sunfat này đại diện cho các khu vực giàu sunfat trên toàn cầu thì các mỏ đó chứa một trữ lượng carbon rất lớn.

Các hợp chất cacbonat đã bị phá hủy một phần bởi các quá trình sau đó, cho thấy một phần carbon dioxide đã được đưa trở lại khí quyển, hình thành nên chu trình carbon.

"Khoan qua bề mặt nhiều lớp của Sao Hỏa cũng giống như đang lật giở một cuốn sách lịch sử vậy" - Sci-News dẫn lời TS Thomas Bristow từ Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, đồng tác giả.

Anh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tau-nasa-tim-ra-bang-chung-quyet-dinh-ve-su-song-ngoai-hanh-tinh-196250419065451867.htm
Zalo