Pháp kiên quyết không thỏa hiệp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không phải là nguyên tắc có thể đem ra đàm phán.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Paris (Pháp), ngày 26/3/2025. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Christophe Lemoine cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không phải là nguyên tắc có thể đem ra đàm phán, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vì từ chối công nhận việc Nga chiếm đóng Crimea.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ trước các phóng viên, ông Lemoine nhấn mạnh: "Nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không phải là điểm có thể đem ra đàm phán". Ông cho biết thêm Nga đang làm chậm các cuộc thảo luận bằng cách tiếp tục các cuộc không kích.
Trước đó, nhằm thúc đẩy các nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine, một loạt cuộc gặp giữa lãnh đạo một số nước châu Âu với giới chức cấp cao của Mỹ và Ukraine đã diễn ra vào ngày 17/4 tại thủ đô Paris (Pháp).
Khởi động chuỗi các cuộc gặp này là cuộc trao đổi giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại Điện Elyseé.
Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo ông Rubio và ông Witkoff sau đó có cuộc gặp với Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak cũng như các cố vấn an ninh quốc gia của Anh và Đức.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết Cố vấn Chính sách Đối ngoại và An ninh cho Thủ tướng Đức - ông Jens Ploetner sẽ tham gia các cuộc đàm phán tại Paris.
Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, các quan chức hàng đầu của nước này tham gia cuộc trao đổi với đại diện của Mỹ và đại diện các nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức. Các quan chức của Ukraine gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andriy Sybiga và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.
Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ mục đích của các cuộc gặp tại Paris lần này là đánh giá tiến độ đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Từ nhiều tháng qua, Pháp và Anh đang dẫn dắt các cuộc thảo luận trong một nhóm gồm khoảng 30 quốc gia, còn được gọi là "liên minh tự nguyện" - nhằm chuẩn bị cho khả năng thành lập một lực lượng mang tên "lực lượng đảm bảo an ninh” để hỗ trợ thực thi bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào có thể đạt được giữa Nga và Ukraine thông qua vai trò thúc đẩy của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào khả năng đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế và việc phát triển khuôn khổ an ninh cho Ukraine.
Nga lâu nay vẫn luôn phản đối ý tưởng có sự hiện diện của các lực lượng châu Âu tại Ukraine, cho rằng việc này đồng nghĩa với việc các nước gửi quân tham gia xung đột trực tiếp với Nga./.