Bất đồng bất ngờ xuất hiện ở Washington khi đàm phán hạt nhân Iran tiến triển

Các bản tin gần đây cho thấy Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio đang dẫn đầu phe 'diều hâu', trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Phó Tổng thống JD Vance dẫn đầu phe 'hiện thực' trong xử lý vấn đề hạt nhân Iran.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (phải) và Đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: PressTV/TTXVN

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi (phải) và Đặc phái viên của Tổng thống về vấn đề Trung Đông Steve Witkoff. Ảnh: PressTV/TTXVN

Kênh Just The News tối 23/4, theo giờ Mỹ, cho biết bất đồng nội bộ trong chính quyền Trump về chiến lược giải quyết chương trình hạt nhân của Iran đang dần xuất hiện trong diễn đàn công chúng, khi phe chủ trương đối ngoại hiện thực thúc đẩy đàm phán - điều khiến phe diều hâu, vốn ủng hộ hành động quân sự, không hài lòng. Trước đây, những tranh cãi này phần lớn chỉ diễn ra sau cánh cửa đóng kín và rò rỉ ra ngoài qua các nguồn ẩn danh. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên công khai hơn sau khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông Mark Levin vào Hội đồng Cố vấn An ninh Nội địa.

Ông Levin, được biết đến chủ yếu với vai trò bình luận viên truyền thông bảo thủ, là một người cứng rắn về Iran và ủng hộ mạnh mẽ Israel. Ông Kevin từng chỉ trích gay gắt việc chính quyền Trump theo đuổi đàm phán với Iran và có bất đồng lâu dài với Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và một số bất đồng này lại nổi lên giữa lúc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran đang diễn ra.

Mới đây, một diễn biến tích cực đã xảy ra với các cuộc đàm phán, khi Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và Đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, gặp nhau tại Rome (Italy) và đồng ý tiến hành thêm các vòng đàm phán. Ngoại trưởng Oman Badr bin Hamad Al Busaidi làm trung gian cho cuộc gặp.

Các cuộc đàm phán tiếp theo

Bộ Ngoại giao Oman tuyên bố: “Chỉ có đối thoại và kết nối rõ ràng mới giúp chúng ta đạt được một thỏa thuận đáng tin cậy và hiểu biết lẫn nhau vì lợi ích của tất cả các bên liên quan ở khu vực và quốc tế”. Oman cũng cho biết vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại thủ đô Muscat của nước này trong vài ngày tới.

Hiện tại, chi tiết của thỏa thuận tiềm năng vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên Oman cho biết mục tiêu cuối cùng là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran và tất nhiên, ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Levin cảnh báo rằng việc theo đuổi các cuộc đàm phán như vậy sẽ là một sai lầm, nói rằng: “Phe cô lập và chủ trương nhân nhượng đang đẩy chúng ta đến một sai lầm lịch sử”.

Công khai bất đồng

Về mặt chính thức, các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump đều ủng hộ nỗ lực của Tổng thống nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân, và ngay cả những người theo phe diều hâu cũng đang thể hiện sự đồng thuận trên truyền thông.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (22/4) với chương trình Just the News, No Noise”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz cho biết: “Tổng thống Trump đã nói rất rõ rằng Iran không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Mọi phương án đều được đặt trên bàn, nhưng ông ấy hoàn toàn ưu tiên đạt được một thỏa thuận - và chúng tôi đang nhận được tín hiệu tích cực theo hướng đó. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn của ông. Ông ấy biết cách sử dụng đòn bẩy đúng lúc và đang dẫn dắt quá trình này”.

Ông Waltz nói thêm: “Đó là nhiệm vụ mà ông ấy, với tư cách Tổng tư lệnh, đã giao cho chúng tôi. Và tôi phải nói rằng, chúng tôi sẽ đạt được tiến triển nhiều hơn rất nhiều so với các chính quyền trước đây”.

Waltz cũng cho rằng các cuộc đàm phán lần này đạt được tiến triển lớn hơn trước kia, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không nên bao gồm việc chấm dứt giám sát hạt nhân. Về phần mình, Ngoại trưởng Rubio cũng nhấn mạnh quan điểm tương tự vào thứ Tư (23/4), nói rằng: “Chúng tôi không muốn chiến tranh. Đây không phải là một tổng thống từng tranh cử với cam kết gây ra chiến tranh mới”.

Ông Rubio khẳng định: “Iran đã thể hiện sẵn sàng đàm phán. Chúng tôi sẽ nói chuyện với họ. Nếu Iran muốn có một chương trình hạt nhân dân sự, họ hoàn toàn có thể như nhiều quốc gia khác, nghĩa là họ có thể nhập khẩu vật liệu đã được làm giàu”.

Nghi ngờ âm thầm

Phương pháp đàm phán này dường như đang gặp không ít hoài nghi âm thầm. Tuần trước, tờ New York Times đã hé lộ sự chia rẽ nội bộ trong chính quyền về chiến lược với Iran qua bài viết có tiêu đề: “Ông Trump từ chối cuộc tấn công của Israel sau khi nội bộ xuất hiện chia rẽ”.

Bài viết mô tả ông Waltz có vẻ cởi mở thận trọng với khả năng tấn công của Israel, nhưng các ông Vance, Hegseth và bà Gabbard là những người phản đối chính. Tuy nhiên, sự chia rẽ không phải là rõ nét, ngay cả ông Waltz cũng hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch từ phía Israel dù ông hứng thú hơn với phương án này.

Bài viết dựa vào các nguồn ẩn danh như “các quan chức chính quyền và những người được thông tin về cuộc thảo luận”, mặc dù chính ông Trump đã xác nhận rằng các phương án quân sự và ngoại giao vẫn được xem xét.

Tờ Times cho biết bà Gabbard đã phản đối kế hoạch tấn công Iran do Israel đề xuất, bằng cách trình bày một bản đánh giá tình báo cho thấy việc triển khai vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực, điều sẽ gây bất lợi cho Wshington.

Hiện tại, Iran hậu thuẫn một số lực lượng ở khắp Trung Đông, bao gồm Hezbollah tại Liban( Lebanon), Hamas tại Gaza, và Houthi tại Yemen. Một số lực lượng dân quân thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) ở Iraq cũng có liên hệ chặt chẽ với Tehran. Dù những nhóm này đã từng giao tranh với quân đội Mỹ trong những năm gần đây, nhưng phần lớn các vụ việc không leo thang nghiêm trọng ngoại trừ chiến dịch không kích của Mỹ nhắm vào Houthi, lực lượng đã làm tê liệt tuyến vận tải thương mại trên Biển Đỏ bằng cách tấn công các tàu hàng.

Ông Levin đặc biệt chỉ trích cộng đồng tình báo dưới sự lãnh đạo của bà Gabbard, cho rằng những đánh giá thận trọng và cái nhìn mềm mỏng đối với Iran cùng tham vọng hạt nhân của nước này là ngây thơ.

Làm giàu uranium hay nhập khẩu

Trọng tâm của cuộc tranh luận về tiến triển của Iran trong việc phát triển vũ khí hạt nhân nằm ở vấn đề làm giàu uranium. Ông Rubio nói một cách rõ ràng rằng Mỹ không phản đối việc Iran xây dựng một chương trình hạt nhân dân sự nhằm mục đích sản xuất điện. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc Iran theo đuổi hoạt động làm giàu uranium trong nước sẽ khiến họ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có năng lực làm giàu uranium nhưng không có chương trình vũ khí hạt nhân. Ông Rubio cho rằng tình trạng như vậy sẽ không thể kéo dài.

Mối quan ngại chính của ông Fleitz là khả năng ngày càng tăng của Iran trong việc nhanh chóng làm giàu uranium đến cấp độ vũ khí. Ông Fleitz nói: “Iran hiện có thể làm giàu đủ uranium để chế tạo một đơn vị vũ khí hạt nhân trong chưa đầy một tuần và 14 đơn vị vũ khí trong khoảng bốn tháng”. Ông Fleitz đã dẫn báo cáo từ Viện Khoa học và An ninh Quốc tế để củng cố nhận định này.

Làm giàu uranium và hệ thống phóng là hai thành phần chính trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ở giai đoạn hiện tại, phe diều hâu về Iran dường như tin chắc rằng việc Tehran giữ lại năng lực làm giàu uranium sẽ khiến việc họ sở hữu kho vũ khí hạt nhân trở thành điều tất yếu.

Tuy một số người có vẻ sẵn sàng xem xét hướng tiếp cận ngoại giao, nhưng những người cứng rắn nhất trong số họ lại coi hành động quân sự là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

“Cuối cùng, Israel sẽ cần phải tiêu diệt các cơ sở hạt nhân của Iran, bất kể ai ủng hộ hay không và bất chấp các cuộc đàm phán”, ông Levin viết trên mạng xã hội vào hôm 22/4.

Israel từng thực hiện bước đi đó trong quá khứ: Vào ngày 7/6/1981, Không quân Israel đã tiến hành một cuộc không kích phủ đầu, phá hủy một lò phản ứng hạt nhân chưa hoàn thiện của Iraq, nằm cách Baghdad khoảng 18 km về phía Đông Nam.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bat-dong-bat-ngo-xuat-hien-o-washington-khi-dam-phan-hat-nhan-iran-tien-trien-20250424210358993.htm
Zalo