Pháo Paris – Siêu vũ khí của Đức thời Thế chiến I - Kỳ 1

Trong Thế chiến I, nước Đức đã cho ra đời một loại siêu pháo có khả năng bắn tới thủ đô Paris từ khoảng cách gần 120 km - một kỳ tích công nghệ quân sự chưa từng có thời bấy giờ.

Kỳ 1: Kỳ quan công nghệ vượt thời đại

Theo trang allthatsinteresting.com, sau khi Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand bị Gavrilo Princip - một người Serb gốc Bosnia - ám sát năm 1914, các quốc gia châu Âu đã trượt vào Thế chiến I.

Pháo Paris, khẩu pháo lớn nhất thời Thế chiến I. Ảnh: Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia

Pháo Paris, khẩu pháo lớn nhất thời Thế chiến I. Ảnh: Bảo tàng Chiến tranh Hoàng gia

Ngày 1/8/1914, Đức tham gia Thế chiến I sau khi đồng minh Áo-Hung tuyên chiến với Serbia. Sau một loạt các yêu cầu trung lập không thành công từ Pháp và Nga, các đồng minh của Serbia, Đức đã xây dựng Kế hoạch Schlieffen để tấn công Pháp, Nga và Bỉ.

Ngày 4/8, quân Đức xâm lược Bỉ, kéo theo Anh - quốc gia có hiệp ước với Bỉ - bước vào cuộc chiến. Ban đầu, chiến dịch tấn công của Đức đạt được một số thành công, nhưng sức kháng cự của Pháp bên ngoài Paris đã tạo ra thế bế tắc. Khó khăn càng gia tăng với Đức khi lực lượng của Australia, Anh và Nhật Bản chiếm các thuộc địa của Đức ở Thái Bình Dương.

Sau khi bị Anh phong tỏa hàng hải nghiêm ngặt, Đức chuyển sang chiến tranh tàu ngầm không giới hạn, khiến Mỹ phẫn nộ, đặc biệt sau khi tàu ngầm Đức đánh chìm tàu RMS Lusitania chở theo 159 người Mỹ.

Tới năm 1918, Đức lâm vào tình thế khó khăn. Cuộc chiến tại Pháp đã biến thành địa ngục chiến hào và các yêu cầu đàm phán hòa bình từ phía Đức đều bị Đồng minh bác bỏ.

Đức cần một lợi thế vượt trội và họ tìm thấy điều đó ở một khẩu pháo dài hơn 30 mét mang tên “Khẩu pháo Kaiser Wilhelm” mà sau này được gọi là Pháo Paris.

Khi một vụ nổ lớn làm rung chuyển khu vực Quai de la Seine ở Đông Bắc Paris vào lúc 7 giờ 18 sáng ngày 23/3/1918, ban đầu không ai biết điều gì đã gây ra vụ nổ đó. Không có máy bay Đức nào xuất hiện và dù Đức đã bắt đầu cuộc Tổng tấn công Mùa xuân năm 1918 chỉ hai ngày trước đó, lực lượng mặt đất của Đức vẫn còn cách thủ đô Pháp hơn 100 km về phía Bắc. Không có loại pháo nào được biết đến lúc đó có thể bắn xa đến một nửa khoảng cách ấy. Kết luận ban đầu là một loại khí cầu tầm cao nào đó đã thả một quả bom lớn. Nhưng rồi, khoảng 15 phút sau vụ nổ đầu tiên, lại xảy ra vụ nổ thứ hai, rồi 15 phút sau nữa là vụ nổ thứ ba. Đến cuối ngày, người dân Paris đã đếm được tổng cộng 21 vụ nổ tương tự.

Chỉ trong vòng vài giờ, các chuyên gia đạn dược đã thu thập đủ bằng chứng đạn đạo từ nhiều điểm va chạm để xác định rằng Paris thực sự đang bị pháo kích bằng một hoặc nhiều khẩu pháo cỡ nòng khoảng 8 inch. Nhưng điều đó dường như là không thể. Một giả thuyết ban đầu cho rằng người Đức đã bằng cách nào đó đưa được một khẩu pháo xâm nhập sâu sau phòng tuyến Pháp, có thể là trong những khu rừng gần Paris. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, người Pháp đã thu thập đủ bằng chứng để chứng minh chắc chắn rằng các quả đạn được bắn ra từ sau phòng tuyến của Đức, cụ thể là từ rừng Saint-Gobain gần thị trấn Crépy, phía Tây Bắc Laon. Nhưng nơi đó cách Paris gần 130 km. Kết luận hợp lý duy nhất là người Đức đã bí mật phát triển và triển khai một loại siêu pháo. Thực tế, họ đã triển khai tới ba khẩu.

Người Đức gọi loại pháo tầm xa bắn phá Paris bằng hai cái tên: “Wilhelm Guns” (pháo Wilhelm) để vinh danh Hoàng đế Wilhelm II và “Pariskanonen” (pháo Paris). Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, báo chí Anh và Mỹ, cũng như một số nhà sử học trong nhiều năm sau, đã gọi nhầm là Big Bertha. Tuy nhiên, Dicke Bertha là một loại pháo hoàn toàn khác. Đó là một loại lựu pháo công thành cỡ nòng 420mm được quân Đức dùng để phá hủy các pháo đài của Bỉ vào năm 1914.

Pháo Paris là một trong những loại pháo đáng chú ý nhất trong lịch sử quân sự. Tầm bắn tối đa ước tính của loại này là 132 km, vượt xa bất kỳ loại pháo nào từng được chế tạo trước đó. Trong khi đó, vào năm 1918, người Đức chỉ dùng đạn thông thường. Kỹ sư thiết kế Pháo Paris là ông Fritz Rausenberger, Giám đốc của tập đoàn sản xuất vũ khí Krupp AG. Ông cũng là người thiết kế khẩu Big Bertha.

Pháo Paris được sản xuất tại nhà máy Krupp. Ảnh: Alamy Stock

Pháo Paris được sản xuất tại nhà máy Krupp. Ảnh: Alamy Stock

Tập đoàn Krupp vốn có truyền thống lâu đời trong nghiên cứu và phát triển đạn dược. Ông Rausenberger đã từng nghiên cứu cách đạt được tầm bắn vượt 96 km. Năm 1916, ông đã trình bày ý tưởng lên Bộ Tư lệnh Tối cao Quân đội Đức (Oberste Heeresleitung - OHL), xin được hỗ trợ chính thức cho một loại pháo được thiết kế riêng để pháo kích Paris. Đại tá Max Bauer, một trong những sĩ quan có ảnh hưởng tại OHL, đã thuyết phục Thống chế Paul von Hindenburg -Tổng Tham mưu trưởng - và cấp phó tài năng của ông là Tướng Erich Ludendorff, đồng ý hỗ trợ dự án này. Đến cuối năm 1917, Krupp đã có một nguyên mẫu hoạt động và đã bắn thử thành công khẩu pháo đầu tiên vào ngày 20/11 tại bãi thử Altenwalde gần bờ Biển Bắc, gần Cuxhaven. Sau nhiều thử nghiệm về liều thuốc phóng và loại đạn, các kỹ sư của Krupp đã đạt được tầm bắn hơn 126 km vào ngày 30/1/1918. Krupp lập tức bắt đầu sản xuất thêm thân pháo và ít nhất bảy nòng pháo.

Krupp lắp ráp nòng mỗi khẩu Pháo Paris bằng cách đưa một ống lót 210mm vào trong một nòng pháo hải quân 380mm SK L/45 Long Max dài 17 mét đã được khoan rộng. Ống lót này nhô ra thêm 11 mét ngoài đầu nòng pháo chính. Một đoạn ống trơn dài từ 6 đến 9 mét được gắn thêm phía trước ống lót, tạo thành một nòng pháo hỗn hợp dài hơn 33 mét. Một hệ thống giằng bên ngoài được gắn lên phía trên để giảm độ võng do trọng lực.

Các kỹ sư Krupp phải gắn một đối trọng lớn ở phía sau để có thể nâng pháo lên khi bắn và hạ xuống khi nạp đạn. Khung pháo là một khối thép có trục xoay phía trước và bánh xe phía sau chạy trên một đường ray tròn. Pháo chỉ có thể được vận chuyển bằng đường sắt, lắp ráp tại chỗ và bắn từ một bệ bắn bê tông được chuẩn bị sẵn. Riêng nòng pháo nặng khoảng 140 tấn, khung pháo nặng 250 tấn và bệ xoay nặng 300 tấn.

Vận hành một khẩu Pháo Paris không hề đơn giản. Khối thuốc phóng nặng khoảng 180 kg có thể tạo ra áp suất buồng bắn lên tới 4.800 bar và nhiệt độ nòng vượt 2.000 độ C. Thuốc phóng có tính ăn mòn mạnh làm mòn vài centimet thép trong nòng sau mỗi phát bắn, khiến thể tích buồng bắn tăng lên. Do đó, sau mỗi phát bắn, tổ pháo phải đo lại thể tích buồng bắn rồi điều chỉnh lượng thuốc phóng cho phát sau.

Trong các lần bắn thử ban đầu, áp suất và nhiệt độ cực cao đã làm bật các vòng quay bằng đồng thông thường ra khỏi thân đạn, khiến đạn không quay đều trong không trung. Giải pháp là khắc các đường xoắn trong thân đạn thép theo tỷ lệ xoắn 1:35. Do đó, tổ pháo phải “vặn” từng quả đạn vào nòng. Cách này hiệu quả, nhưng lại làm nòng pháo mòn nhanh hơn, buộc các viên đạn sau phải có đường kính lớn hơn viên trước.

Mỗi nòng pháo được kèm theo một bộ đạn riêng, được đánh số thứ tự chính xác theo thứ tự bắn. Tuy vậy, lỗi vẫn xảy ra. Ngày 25/3, một sai sót trong thứ tự bắn khiến khẩu pháo số 3 bị phát nổ trong ống, khiến 17 người chết và bị thương. Mỗi nòng chỉ có thể bắn khoảng 60 phát và viên thứ 60 có đường kính 222mm. Sau đó, nòng được thay thế và gửi về nhà máy Krupp ở Essen để khoan lại thành 224mm và tiếp tục sử dụng thêm 60 phát nữa. Sau đó lại khoan rộng ra thành 238mm.

Pháo Paris đạt được tầm bắn ấn tượng bằng cách dường như đi ngược lại các quy luật đạn đạo thông thường. Mọi khẩu pháo, trước và sau đó, đều đạt tầm bắn xa nhất ở góc nâng 45 độ. Nhưng Pháo Paris đạt tầm xa nhất ở góc 50 độ. Khi góc nâng vượt qua ngưỡng này, đạn bay cao hơn nhưng tầm bắn lại giảm, nhưng các khẩu Pháo Paris lại đạt được tầm bắn xa nhất ở góc nâng 50 độ.

Có hai nguyên nhân. Thứ nhất là hiệu ứng Coriolis do Trái Đất quay. Thời gian bay từ Crépy đến Paris là 177 giây, gần 3 phút.

Khi khẩu pháo bắn về hướng Tây Nam trong khi Trái Đất quay từ Tây sang Đông, ba phút bay đã giúp đạn đạt thêm hơn 600 mét vào tầm bắn, đồng thời khiến quỹ đạo đạn lệch nhẹ sang bên phải.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn đối với tầm bắn là điều mà các pháo thủ gọi là “độ cao cực đại”, tức là độ cao lớn nhất mà viên đạn đạt được trong quỹ đạo bay. Ở góc nâng 50 độ, các quả đạn từ khẩu Pháo Paris đã đạt độ cao 42.000 mét. Mật độ không khí giảm ở độ cao lớn khiến lực cản tác động lên thân đạn giảm đi đáng kể, từ đó giúp tăng mạnh tầm bắn theo phương ngang. Các quả đạn được bắn từ Pháo Paris là những vật thể nhân tạo đầu tiên vươn tới tầng bình lưu, giữ kỷ lục độ cao này trong gần một phần tư thế kỷ, cho đến khi người Đức bắn thử nghiệm tên lửa V-2 đầu tiên vào cuối năm 1942.

Đón đọc kỳ cuối: Sai lầm chiến lược

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/phao-paris-sieu-vu-khi-cua-duc-thoi-the-chien-i-ky-1-20250420214942289.htm
Zalo