Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ 'có thể mất chức sớm'
Cựu phát ngôn viên cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng tình trạng hỗn loạn tại Lầu Năm Góc có thể dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth bị cách chức sớm.

Cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng sự hỗn loạn của Lầu Năm Góc gần đây có thể đe dọa vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ của ông Pete Hegseth. Ảnh: Reuters.
Trong bài viết đăng trên Politico vào ngày 20/4, ông John Ullyot, cựu phát ngôn viên cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã mô tả tình hình tại Lầu Năm Góc hiện như một “cuộc khủng hoảng toàn diện”, nơi mà sự hỗn loạn và mâu thuẫn nội bộ đang gây xáo trộn lớn không chỉ trong trong bộ này mà còn ảnh hưởng đến công việc của Tổng thống.
“Lầu Năm Góc đang rơi vào tình trạng hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của Hegseth. Điều này đang trở thành một gánh nặng cho Tổng thống - người đáng lẽ phải nhận được sự điều hành tốt hơn từ các cấp lãnh đạo cao cấp”, Ullyot viết.
Theo cựu phát ngôn viên Bộ Quốc phòng này, người vừa rời bỏ công việc vào tuần trước, cáo buộc đội ngũ của Hegseth đã phát tán thông tin sai sự thật về lý do ba quan chức cấp cao bị sa thải, đồng thời chỉ trích cách mà Bộ Quốc phòng xử lý việc rò rỉ thông tin nhạy cảm liên quan đến các cuộc không kích ở Yemen mà Hegseth đã tiết lộ qua ứng dụng Signal.
Ullyot cho biết tình trạng nội bộ tại Lầu Năm Góc đang ngày càng nghiêm trọng. Ông cũng tiết lộ một đợt “thanh trừng” đang diễn ra, khi Hegseth sa thải các nhân viên chủ chốt trong bộ máy của mình, tạo ra một môi trường làm việc thiếu ổn định.
Vào cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng đã sa thải 3 nhân viên cấp cao bao gồm Dan Caldwell, cố vấn cao cấp; Darin Selnick, phó chánh văn phòng; và Colin Carroll, chánh văn phòng phó Bộ trưởng Quốc phòng. Mới đây, Joe Kasper, chánh văn phòng của Hegseth, cũng sẽ chuyển sang vị trí mới tại cơ quan khác.
Tuy nhiên, những quyết định sa thải này không giải thích rõ lý do, khiến các nhân viên bị sa thải bức xúc và khẳng định rằng họ chưa từng bị điều tra về việc rò rỉ thông tin. Họ cũng tố cáo các quan chức Lầu Năm Góc đã phỉ báng họ khi ra đi.
Tình trạng này càng phức tạp hơn khi một cuộc thanh trừng tương tự cũng diễn ra trong quân đội vào tháng 2, khi hàng loạt chỉ huy quân đội cao cấp bị sa thải, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng C.Q. Brown.
Thực tế, Ullyot cho biết bản thân cũng từng vướng vào tranh cãi khi ông ủng hộ việc gỡ bỏ một bài viết về huyền thoại bóng chày Jackie Robinson khỏi website Bộ Quốc phòng - một phần trong chiến dịch "thanh lọc" nội dung liên quan đến đa dạng văn hóa trong quân đội.
“Tháng vừa qua là một sự sụp đổ toàn diện của Bộ Quốc phòng - và nó đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với chính quyền”, ông nhấn mạnh.
Hiện cả Bộ Quốc phòng lẫn Nhà Trắng đều từ chối bình luận về những phát ngôn của Ullyot.
Ullyot từng giữ vai trò truyền thông tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Cựu chiến binh trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Ông là người đứng đầu chiến dịch loại bỏ các văn phòng truyền thông lớn như Politico, The New York Times, The Washington Post và CNN khỏi Lầu Năm Góc để ưu tiên không gian cho các hãng truyền thông bảo thủ.
Những phát biểu công khai của Ullyot có thể tiếp tục gây rắc rối cho Hegseth, người đang bị Thanh tra Bộ Quốc phòng điều tra vì sử dụng Signal để chia sẻ thông tin mật về các cuộc không kích tại Yemen.
Tờ The New York Times tiết lộ, Hegseth bị cáo buộc lập nhóm chat riêng trên Signal với vợ - một cựu nhà sản xuất của Fox News - và luật sư cá nhân, trong đó có thông tin nhạy cảm về các cuộc tấn công sắp diễn ra nhằm vào lực lượng Houthi.
“Thật khó để tưởng tượng rằng Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth có thể giữ được chiếc ghế của mình lâu hơn nữa”, Ullyot kết luận.