Phản ứng quốc tế về việc Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris
Trong tuần qua, các nhà lãnh đạo thế giới, các bộ trưởng và những nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực ngoại giao khí hậu đã tái khẳng định cam kết đối với Thỏa thuận Paris sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước.
Theo tờ The Guardian (Anh), việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận đã làm suy yếu nỗ lực duy trì nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hy vọng về việc đạt được mục tiêu này đã nhanh chóng tan biến, khi năm ngoái nhiệt độ toàn cầu đã vượt qua ngưỡng này. Tuy nhiên, các biện pháp cắt giảm khí thải nghiêm ngặt vẫn có thể tạo ra sự khác biệt trong tương lai.
Cùng với việc rút khỏi thỏa thuận, ông Trump cũng bãi bỏ nhiều biện pháp nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tiếp tục ủng hộ các công ty dầu mỏ lớn. Mỹ hiện là quốc gia xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới và sản lượng dầu của quốc gia này đã đạt mức kỷ lục dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Những yếu tố này có thể gây cản trở cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mà Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden đã thúc đẩy.
Ông Adair Turner, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, nhận định động thái của ông Trump có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,3 độ C và khiến các quốc gia khác nới lỏng các cam kết giảm phát thải carbon.
Dù vậy, một số quốc gia đã đạt tiến bộ bất chấp việc Mỹ không tham gia. Ông Trump đã bắt đầu quá trình rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paristrong nhiệm kỳ đầu, nhưng quyết định này chỉ có hiệu lực khi ông rời nhiệm sở. Trước đó, dưới thời Tổng thống George W. Bush, các nỗ lực quốc tế về hành động chống biến đổi khí hậu cũng từng bị đình trệ trong nhiều năm.
Mỹ hiện cùng với các quốc gia - như Libya, Iran và Yemen - là những nước từ chối thỏa thuận này. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nhưng vai trò của Mỹ đang giảm dần khi các nước đang phát triển tăng sản lượng carbon.
Liên minh châu Âu (EU)
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh rằng Thỏa thuận Paris vẫn là hy vọng tốt nhất cho nhân loại và EU sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với các quốc gia khác để bảo vệ môi trường và ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Ông Wopke Hoekstra, Ủy viên khí hậu của EU, cho rằng quyết định của ông Trump là một sự thất bại, nhưng EU vẫn cam kết hợp tác với Mỹ và các đối tác quốc tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Anh
Bộ trưởng An ninh năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 của Anh, ông Ed Miliband, cho biết ông tin tưởng rằng việc chuyển đổi sang năng lượng sạch là không thể ngăn cản. Cựu Ngoại trưởng William Hague và cựu đại sứ Anh tại Mỹ, ông Kim Darroch, cũng chỉ trích quyết định của ông Trump và kêu gọi tiếp tục hành động vì khí hậu.
Cựu ngoại trưởng Hague đã viết trên tờ Times: “Đối với một quốc gia vừa trải qua các vụ cháy rừng tàn khốc ở Los Angeles và phải đối mặt với những cơn bão khủng khiếp hơn bao giờ hết, việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và xóa bỏ mọi giới hạn về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch chẳng khác nào sống trong sự phủ nhận”.
Canada
Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, ông Steven Guilbeault, gọi quyết định của ông Trump là đáng tiếc, nhưng khẳng định Canada sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận Paris và hợp tác với Mỹ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Nhóm đàm phán châu Phi
Trong một tuyên bố chung, nhóm này nhấn mạnh rằng quyết định của ông Trump là mối đe dọa đối với các nỗ lực toàn cầu trong việc chống lại biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các quốc gia dễ bị tổn thương.
“Mỹ, một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, có trách nhiệm lịch sử trong việc dẫn đầu các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc từ bỏ các cam kết trong Thỏa thuận Paris đã làm suy yếu nhiều năm tiến bộ khó khăn và gửi đi một thông điệp đáng lo ngại đến cộng đồng quốc tế”, nhóm tuyên bố.
Đối với châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác, tác động của hành động này là vô cùng nghiêm trọng. Châu Phi, vốn đã ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng, đe dọa đến tính mạng, sinh kế của hàng triệu người, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và gây bất ổn cho nền kinh tế. Theo nhóm này, việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu đã làm giảm đáng kể sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, vốn là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó và thích ứng với những thách thức này, buộc họ phải gánh chịu gánh nặng một cách bất công.
Chủ tịch nhóm Các nước kém phát triển nhất, ông Evans Njewa, bày tỏ sự thất vọng trước quyết định này và kêu gọi bảo vệ Thỏa thuận Paris vì tương lai của hành tinh.
Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức chung mà toàn thế giới phải đối mặt và Trung Quốc sẽ hợp tác với tất cả các bên để chủ động giải quyết vấn đề này.
Brazil
Bà Marina Silva, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Brazil, quốc sẽ tổ chức các cuộc đàm phán Cop30 tại Belem vào tháng 11 năm nay, đã chỉ trích quyết định của ông Trump là trái ngược với các chính sách dựa trên bằng chứng khoa học và lẽ thường, nhất là khi chính nước Mỹ đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng.