Cơn ác mộng của những người sắp tới Mỹ thì cánh cửa đóng lại
Một sắc lệnh hành pháp đã chặn đứng các chuyến bay tị nạn cho những người Afghanistan từng sát cánh với sứ mệnh của Mỹ tại Afghanistan và đã được chấp thuận tái định cư tại Mỹ.
Nasir, cố vấn pháp lý cho Không quân Afghanistan trong chiến tranh, đã giúp phê duyệt các cuộc không kích chống lại các chiến binh Taliban.
Ông vẫn đang ở Afghanistan, phải ẩn náu kể từ khi Taliban tiếp quản vào năm 2021, trong khi chờ phê duyệt tái định cư tại Mỹ.
Bị bỏ lại
Nasir chia sẻ ông đã vượt qua các cuộc kiểm tra lý lịch và chỉ cần một cuộc kiểm tra y tế để hoàn tất quá trình này.
Nhưng tuần qua, ông và hàng chục nghìn người Afghanistan khác đột ngột nhận thấy con đường đến Mỹ bị chặn lại do một sắc lệnh hành pháp vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký.
Sắc lệnh này đã đình chỉ một chương trình tái định cư đưa hàng nghìn người tị nạn hợp pháp đến Mỹ mỗi năm.
Trong số nhiều người đang ở trong tình trạng bấp bênh này có những người Afghanistan đã trợ giúp sứ mệnh của Mỹ và đang tìm kiếm một khởi đầu mới cũng như sự an toàn tại Mỹ.
Nasir, một cựu trung tá yêu cầu không nêu tên đầy đủ, chia sẻ trong tin nhắn với New York Times rằng ông Trump "không chỉ bỏ qua lợi ích của người Afghanistan trong quyết định này mà còn không cân nhắc đến lợi ích của Mỹ".
"Làm sao thế giới và các đồng minh của Mỹ có thể tin tưởng nữa?", ông nói thêm.
Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Mỹ, có hiệu lực từ năm 1980, cho phép nhập cư hợp pháp đối với những người đã được thẩm tra phải rời khỏi đất nước của họ vì bị đàn áp, chiến tranh hoặc các mối đe dọa khác.
Khi đình chỉ chương trình, ông Trump cho biết việc tiếp tục chương trình sẽ gây gánh nặng cho các cộng đồng không có khả năng xử lý người tị nạn.
Sắc lệnh của ông Trump có tên "Điều chỉnh lại Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn của Mỹ" có hiệu lực hôm 20/1. Sắc lệnh nêu rõ rằng Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng An ninh Nội địa có thể tiếp nhận người tị nạn theo từng trường hợp cụ thể, nhưng chỉ khi xác định điều đó "vì lợi ích quốc gia và không gây ra mối đe dọa đến an ninh hoặc phúc lợi của Mỹ". Sắc lệnh không nêu rõ thời điểm kết thúc lệnh đình chỉ, mà nói rằng sắc lệnh sẽ tiếp tục "cho đến khi việc người tị nạn tiếp tục nhập cảnh vào Mỹ phù hợp với lợi ích của Mỹ".
Ít nhất 40.000 người Afghanistan đang theo đuổi nỗ lực tái định cư tại Mỹ trước khi sắc lệnh được ban hành hôm 20/1 và các chuyến bay chở người tị nạn đã bị dừng lại ngay hôm sau, theo #AfghanEvac, một liên minh gồm 250 nhóm hoạt động để giúp người Afghanistan nhập cư.
Việc đình chỉ này đặc biệt tàn khốc đối với 10.000-15.000 người Afghanistan, những người đã được thẩm tra đầy đủ và đang chuẩn bị lên các chuyến bay, theo #AfghanEvac.
Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào khoảng 200 quân nhân tại ngũ của Mỹ đang cố gắng đưa gia đình rời khỏi Afghanistan.
'Chị ấy bắt đầu khóc - và tôi cũng khóc theo'
Một lính dù của Quân đội Mỹ tại Fort Liberty ở Bắc Carolina, yêu cầu được nêu tên vắn tắt là Mojo, cho biết anh đã dành cả năm qua để giúp chị gái và chồng nộp đơn xin quy chế tị nạn để nhập cảnh vào Mỹ từ Afghanistan.
Mojo, 26 tuổi, là phiên dịch viên cho lực lượng Mỹ tại Afghanistan. Anh cho biết đã gia nhập Quân đội Mỹ hai năm trước sau khi rời Afghanistan vào năm 2021 theo một chương trình cấp thị thực cho những người Afghanistan trực tiếp phục vụ trong quân đội hoặc chính phủ Mỹ. Mojo cho biết chị gái và anh rể của anh, cả hai đều là bác sĩ, đang lẩn trốn vì sợ bị Taliban trả thù vì công việc của Mojo.
Anh cho biết họ vừa hoàn thành quá trình thẩm định người tị nạn kéo dài và được chấp thuận tái định cư tại Mỹ. Tất cả những gì còn lại là sắp xếp một chuyến bay rời khỏi Afghanistan.
"Chúng tôi đã rất gần với việc đưa họ đến nơi an toàn - và đột nhiên cánh cửa đóng lại", Mojo nói qua điện thoại từ Fort Liberty, trước đây gọi là Fort Bragg, nơi anh phục vụ trong Sư đoàn Nhảy dù 82.
Mojo chia sẻ rằng khi chị gái anh nghe tin, "chị ấy bắt đầu khóc - và tôi cũng khóc theo".
Shawn VanDiver, chủ tịch của #AfghanEvac, gọi sắc lệnh hành pháp này là sự quay lưng đối với những người Afghanistan ủng hộ chính phủ hoặc quân đội Mỹ.
“Mọi người đều bị chặn lại - thật đau lòng”, ông nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Trong số những người bị đẩy vào tình trạng bấp bênh này còn có những cựu thành viên của quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan, cũng như các thẩm phán và luật sư tham gia vào các vụ truy tố các thành viên Taliban. Một số thẩm phán và luật sư là phụ nữ.
Ông VanDiver cho biết việc đình chỉ chương trình tái định cư không giải quyết được vấn đề nhập cảnh bất hợp pháp của người di cư tại biên giới phía nam của Mỹ - trọng tâm trong chiến dịch của ông Trump. Những cá nhân trong chương trình không thể tự nộp đơn mà phải được các cơ quan chính phủ Mỹ hoặc các đối tác phi chính phủ được chỉ định giới thiệu.
“Việc không bảo vệ được các đồng minh Afghanistan của chúng ta sẽ gửi đi một thông điệp nguy hiểm đến thế giới: rằng các cam kết của Mỹ là có điều kiện và tạm thời”, ông VanDiver cảnh báo.
Hy vọng tiêu tan
Hàng trăm nghìn người Afghanistan đã chạy trốn sau khi Taliban tiếp quản, đã tìm đường vào nước láng giềng Pakistan. Nhiều người trong số đó đang lưu lại tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nỗ lực theo đuổi việc tái định cư tại Mỹ và các nước phương Tây khác thông qua các đại sứ quán và cơ quan tị nạn tại đây. Nhiều người lo sợ rằng sẽ bị trục xuất trở lại Afghanistan vì con đường đến Mỹ đã bị cắt đứt.
Pakistan đã trục xuất hàng trăm nghìn người Afghanistan do căng thẳng gia tăng với Taliban.
“Trong ba năm, chúng tôi đã phải chịu đựng sự quấy rối không ngừng từ chính quyền Pakistan”, Ihsan Ullah Ahmedzai, một nhà báo từng làm việc với các cơ quan truyền thông do Mỹ tài trợ tại Kabul, thủ đô Afghanistan, trước khi chạy trốn đến Islamabad vào năm 2021, cho biết.
“Nhưng chúng tôi đã hy vọng sẽ sớm rời nơi này để tới Mỹ”, ông nói thêm. Sự lạc quan đó giờ đã không còn. Sắc lệnh của ông Trump giống như một quả bom tấn”, ông Ahmedzai bày tỏ.
“Sắc lệnh đó đã phá tan hy vọng của chúng tôi và khiến chúng tôi một lần nữa đối mặt nguy hiểm”.
Noor Habiba, người từng làm việc với một nhóm bảo vệ quyền phụ nữ do Mỹ tài trợ tại Kabul trước khi chạy trốn cùng chồng và hai con gái đến Islamabad, cho biết cho đến tận bây giờ, bà vẫn hy vọng có thể đến Mỹ vào tháng 2 hoặc tháng 3.
“Chúng tôi không thể quay lại Afghanistan”, bà Habiba nói. “Phụ nữ không còn con đường nào dưới sự cai trị của Taliban”.
Các nhà hoạt động ủng hộ người nhập cư lo ngại rằng những người Afghanistan đã ở Mỹ cũng có thể gặp rủi ro. Những người di cư được phép vào nước này theo các chương trình của chính quyền ông Biden có thể bị trục xuất nhanh chóng sau các quyền hạn mà Tổng thống Trump trao cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà tờ The New York Times có được.
Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 8/2021, chính quyền ông Biden đã bắt đầu một chương trình cho phép 76.000 người Afghanistan đã sơ tán vào Mỹ với lý do nhân đạo, theo Viện Chính sách Di cư.
Tính đến năm 2023, hơn 90.000 người Afghanistan đã định cư tại Mỹ, theo Mustafa Babak, một thành viên của Emerson Collective chuyên về tái định cư.
Số lượng người tị nạn từ Afghanistan và các quốc gia khác được chấp nhận theo chương trình tái định cư của Mỹ dao động mạnh dưới thời các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, tổng cộng 85.000 người tị nạn đã được chấp nhận vào năm 2016. Vào năm 2020, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, con số này đã giảm xuống mức thấp là 11.000.
Tổng thống Joe Biden đã khôi phục chương trình này, tiếp nhận 100.000 người tị nạn vào năm ngoái, nhiều nhất trong ba thập kỷ.
Chương trình yêu cầu những người nộp đơn phải trải qua một quá trình sàng lọc khắt khe bao gồm kiểm tra lý lịch của FBI và các cơ quan khác, sàng lọc sinh trắc học, khám sức khỏe, phỏng vấn và nhiều lần đánh giá an ninh.
Zahra, một trung sĩ của Quân đội Mỹ, cho biết 5 thành viên trong gia đình đang ẩn náu ở Afghanistan đã vượt qua được một phần quá trình đó khi lệnh hành pháp chặn đứng họ.
Cô cho biết cô đã đến Mỹ theo học bổng vào năm 2016. Cô nhập ngũ vào Quân đội Mỹ vào năm 2021.
"Gia đình tôi rất căng thẳng", người phụ nữ 30 tuổi trải lòng, yêu cầu không tiết lộ tên đầy đủ của mình.
"Chúng tôi đã bám víu vào chút hy vọng nhỏ nhoi có được", cô nói thêm, "Việc tạm dừng các chuyến bay sơ tán này đã lấy đi chút hy vọng nhỏ nhoi đó và khiến gia đình tôi phải đối mặt với tương lai đầy bất trắc".
Về phần mình, Mojo cho biết anh lo sợ rằng ông Trump sẽ ngăn cản việc tái định cư những người tị nạn khác, nhưng anh tin rằng ông sẽ miễn trừ cho các đồng minh Afghanistan vì họ ủng hộ sứ mệnh của Mỹ. "Tôi vẫn còn hy vọng" được miễn trừ, anh nói. "Ý tôi là, ông ấy là tổng tư lệnh của tôi".