Lý giải sức mạnh 'bất khả xâm phạm' của đội cận vệ Tổng thống Hàn Quốc
Cơ quan An ninh Tổng thống Hàn Quốc đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ, đóng vai trò là 'tuyến phòng thủ' cuối cùng để ngăn chặn các điều tra viên hình sự bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Cơ quan an ninh của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ngăn chặn việc bắt giữ ông vì các cáo buộc nổi loạn và tuyên bố sẽ làm như vậy nếu cơ quan điều tra tiếp tục nỗ lực đó. Nguồn gốc của sự bảo vệ này bắt nguồn từ thời kỳ độc tài quân sự tại Hàn Quốc.
Theo tờ New York Times, kể từ khi bị luận tội vì áp đặt lệnh thiết quân luật trong thời gian ngắn ngủi vào tháng trước, ông Yoon đã ẩn náu tại trung tâm Seoul, trong một khu phức hợp trên đồi núi hiện được bao quanh bởi các rào chắn bằng xe buýt, dây thép gai và đội cận vệ tổng thống. Ông đã thề sẽ "chiến đấu đến cùng" để trở lại văn phòng Tổng thống. Nhưng vào ngày 7/1 một tòa án đã cấp cho các điều tra viên một lệnh mới để bắt giữ ông.
Nguồn gốc và quyền lực của Cơ quan An ninh Tổng thống
Rào cản duy nhất ngăn cách các nhà điều tra và ông Yoon là Cơ quan An ninh Tổng thống, hay PSS – lực lượng đã ngăn chặn nỗ lực đầu tiên để thực hiện lệnh bắt giữ hôm 3/1. Khi 100 điều tra viên hình sự và cảnh sát xuất hiện tại dinh thự riêng của tổng thống, số thành viên của PSS đông hơn gấp đôi và đã ngăn cản họ thành công, đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của lệnh bắt giữ do tòa án ban hành. Hai bên đã đối đầu suốt gần 6 tiếng đồng hồ, cho đến khi các nhà điều tra đành phải từ bỏ nỗ lực bắt giữ ông Yoon.
Giống như Sở Mật vụ ở Mỹ, PSS bảo vệ các tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống, tổng thống đắc cử và các nguyên thủ quốc gia đến thăm. Được thành lập vào năm 1963 dưới thời cựu Tổng thống Park Chung-hee, PSS từng là một trong những cơ quan quyền lực nhất của chính phủ, với những chiến binh mạnh mẽ dựa vào lòng trung thành của mình để ngăn chặn các nỗ lực ám sát giới lãnh đạo. Khi Hàn Quốc dân chủ hóa trong những thập kỷ gần đây, lực lượng này đã phần lớn lùi vào bóng tối. Nhưng dưới thời Tổng thống Yoon, họ bắt đầu thu hút sự chú ý một cách bất bình từ công chúng khi các đặc vụ lôi những người biểu tình đi trong các sự kiện công cộng.
Ông Yoon đã bổ nhiệm Kim Yong-hyun, đồng minh trung thành nhất của mình, làm Giám đốc Cơ quan An ninh trước khi thăng chức cho ông này làm Bộ trưởng Quốc phòng. Mặc dù Hàn Quốc hiện đang do một quyền tổng thống điều hành sau khi ông Yoon bị đình chỉ chức vụ, nhưng Cơ quan An ninh tổng thống đã tuyên thệ bảo vệ ông Yoon vì ông vẫn là nhà lãnh đạo duy nhất được dân cử.
PSS đã cảnh báo rằng có thể xảy ra xung đột nếu các nhà điều tra cố gắng bắt giữ ông Yoon một lần nữa. Cơ quan này bao gồm hàng trăm vệ sĩ được đào tạo thuần thục và các chuyên gia chống khủng bố, được hỗ trợ bởi các đội cảnh sát và quân đội.
Khủng hoảng chính trị và xung đột pháp lý
Đáp lại, cảnh sát đã ra lệnh cho ông Park Jong-joon, người đứng đầu PSS, phải ra hầu tòa để thẩm vấn về các cáo buộc cản trở công lý, nhưng lệnh này bị ông Park phớt lờ. Các nhà điều tra đe dọa sẽ xin lệnh bắt giữ ông Park nếu nhân vật này tiếp tục bất chấp lệnh triệu tập.
Những người dân Hàn Quốc muốn bắt giữ ông Yoon đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc ông Park từ chối hợp tác.
"Cơ quan An ninh Tổng thống đã biến mình thành lực lượng dân quân tư nhân cho Yoon Suk Yeol", Jung Ji Ung, một luật sư và là chủ tịch của hiệp hội luật sư tại Gyeonggi, tỉnh đông dân bao quanh Seoul, cho biết. Ông nói thêm rằng bằng cách từ chối lệnh bắt giữ do tòa án ban hành, Cơ quan An ninh tổng thống "đã tự đặt mình lên trên pháp luật".
Cuộc đối đầu an ninh đã làm gia tăng tình trạng hỗn loạn làm tê liệt Hàn Quốc kể từ khi ông Yoon áp đặt thiết quân luật bất thành. Nhiều cơ quan chính phủ đang điều tra ông về tội danh nổi loạn.
Bị cuốn vào cuộc đối đầu này là cảnh sát và quân đội, những lực lượng được cả hai bên kêu gọi hỗ trợ. Làm trầm trọng thêm tình hình còn là những tranh chấp pháp lý đang diễn ra về việc ai có thể điều tra ai và ai phải tuân theo lệnh của ai sau khi ông Yoon bị luận tội.
Tổng thống Yoon đang phải đối mặt với cuộc điều tra theo hai hướng: một hướng chính trị và một hướng hình sự. Đầu tiên là Tòa án Hiến pháp, nơi sẽ bắt đầu phiên điều trần vào tuần tới để quyết định có nên chính thức bãi nhiệm hay phục chức tổng thống cho ông. Thứ hai là cuộc điều tra hình sự chưa từng có ở Hàn Quốc: lần đầu tiên các nhà chức trách cố gắng bắt giữ một tổng thống đang tại nhiệm.
Các nhà điều tra muốn thẩm vấn ông Yoon để xác định liệu ông có phạm tội nổi loạn khi ra lệnh cho quân đội chiếm giữ Quốc hội và bắt giữ các đối thủ chính trị của mình hay không.
Ông Yoon và các luật sư của ông cho biết tuyên bố thiết quân luật của ông là hành động sử dụng hợp pháp quyền lực của tổng thống để chế ngự phe đối lập hỗn loạn, cản trở chương trình nghị sự chính trị của ông. Họ đã đưa ra một loạt các thách thức pháp lý đối với những người tìm cách bắt giữ ông.
Ngày 8/1, luật sư của ông Yoon, Yoon Kab-keun, đã nhắc lại rằng tổng thống sẽ không chấp nhận lệnh bắt giữ, nhưng cho biết ông sẽ tự đầu hàng nếu tòa án ban hành lệnh bắt giữ chính thức và hợp lệ vì ông không muốn leo thang "xung đột, hỗn loạn và chia rẽ" đất nước.
Cho đến gần đây, các công tố viên chính phủ thường điều tra tất cả các vụ án hình sự nhạy cảm về mặt chính trị. Nhưng người tiền nhiệm theo chủ nghĩa tự do của ông Yoon, Tổng thống Moon Jae-in, đã thành lập Văn phòng Điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao, hay CIO, vào năm 2020 và đã tước đi một số quyền điều tra của các công tố viên. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan mới này chưa bao giờ được xác định rõ ràng và có ít nguồn lực hơn. Vừa qua, các công tố viên đã bắt giữ nhiều nhân vật chủ chốt có liên quan đến lệnh thiết quân luật bất thành của ông Yoon, bao gồm các tướng lĩnh quân đội và ông Kim, cựu chỉ huy PSS, nhân vật thân cận, liên quan đến sắc lệnh thiết quân luật của ông Yoon.
Cuộc đối đầu không cân sức và nguy cơ bạo lực
CIO, đơn vị lập luận rằng vụ án nổi loạn nằm trong thẩm quyền của mình, đã hợp tác với cảnh sát để có thêm sự hỗ trợ trong một cuộc điều tra chung. Nhưng nguồn lực của văn phòng điều tra này quá hạn chế đến mức họ chỉ có thể huy động 20 thành viên trong chiến dịch của mình để bắt giữ ông Yoon hôm 3/1.
Ngay cả khi có 80 cảnh sát hỗ trợ, họ vẫn không thể vượt qua được lực lượng an ninh tổng thống, vốn đã huy động 200 đặc vụ và binh lính, thậm chí họ còn khóa tay nhau để tạo thành rào chắn.
Trước thất bại đáng xấu hổ này, văn phòng điều tra CIO và cảnh sát đang tập hợp lại. Họ đã chỉ ra rằng, trong nỗ lực bắt giữ ông Yoon một lần nữa, họ sẽ huy động thêm thành viên. Một số người lo ngại sẽ xảy ra xung đột bạo lực nếu không bên nào chịu lùi bước.
"Chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu của mình trong lần thử thứ hai", Oh Dong-hoon, công tố viên trưởng của văn phòng điều tra CIO, phát biểu tại phiên điều trần của quốc hội vào 7/1.
Hiện tại, một số nhà lập pháp đối lập đang thúc đẩy các dự luật giải tán lực lượng an ninh tổng thống và thay thế bằng lực lượng an ninh của cảnh sát.
Shin Jang-sik, nhà lập pháp đối lập đã tham gia soạn thảo một dự luật giải tán PSS nhấn mạnh: “Chúng ta cần ngăn chặn họ hành động vượt trên luật pháp và hành động như thể một cơ quan có quyền lực tuyệt đối".