Bước lùi hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine trước những rối ren nội bộ

Ông Trudeau tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng Canada sau khi các nghị sĩ lo ngại về các số liệu thăm dò trước bầu cử tương đối thấp của đảng Tự do. Điều này không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường ủng hộ của Canada với Ukraine nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ sớm không còn được hưởng lợi từ mối quan hệ nồng ấm giữa ông và ông Trudeau.

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức ngày 20/1/2025 sau khi chỉ trích việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Điều này có thể chuyển gánh nặng hỗ trợ Kiev sang các đồng minh khác, đặc biệt là ở châu Âu - nơi mà sự thay đổi giới lãnh đạo chính trị kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể làm phức tạp thêm vấn đề.

Ảnh minh họa: Newsweek

Ảnh minh họa: Newsweek

Ông Trudeau tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng Canada hôm 6/1, sau khi các nghị sĩ lo ngại về các số liệu thăm dò trước bầu cử tương đối thấp của đảng Tự do. Điều này không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường ủng hộ của Canada với Ukraine nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ sớm không còn được hưởng lợi từ mối quan hệ nồng ấm giữa ông và ông Trudeau.

Ông Zelensky đã cảm ơn Canada vì sự hỗ trợ quân sự của họ, bao gồm hệ thống phòng không NASAMS và đề xuất Ottawa tăng tài trợ cho hoạt động sản xuất vũ khí của Ukraine.

Việc từ chức của ông Trudeau diễn ra 2 ngày sau khi ông Karl Nehammer tuyên bố ông sẽ từ chức thủ tướng Áo sau khi các nỗ lực thành lập chính phủ liên minh mà không có đảng Tự do cực hữu (FPO) sụp đổ.

Người đứng đầu đảng Nhân dân cầm quyền Christian Stocker, 64 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo lâm thời và đảng của ông đã đồng ý đàm phán liên minh với FPO, đảng đã giành được nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2024.

Cùng với các chính sách cực hữu như kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, FPO muốn chấm dứt lệnh trừng phạt với Nga và chỉ trích viện trợ quân sự cho Ukraine. Tại nước láng giềng Đức - quốc gia cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, một cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng tới sau sự sụp đổ hồi tháng 11 của liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Sự hỗn loạn đã xảy ra kể từ khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner sau khi ông từ chối ủng hộ gói hỗ trợ bổ sung cho Kiev tăng thêm 3 tỷ euro (3,12 tỷ USD) lên 15 tỷ euro (15,6 tỷ USD).

Reuters đưa tin, Đức vẫn có thể cung cấp phần lớn trong số 4 tỷ euro (4,3 tỷ USD) đã cam kết cho Ukraine, ngay cả khi ngân sách năm 2025 không được phê duyệt đúng hạn do tình hình chính trị bất ổn. Dù vậy, vẫn còn sự không chắc chắn xung quanh một nước Đức hậu bầu cử với Ukraine, đặc biệt trước sự nổi lên của đảng cực hữu Alternative for Germany (AFD) muốn chấm dứt viện trợ cho Ukraine

Một đồng minh khác của Kiev tại trung tâm EU là Pháp đã phải đối mặt với tình hình chính trị hỗn loạn sau khi các đảng đối lập ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 12 chống lại lựa chọn của Tổng thống Emmanuel Macron cho Thủ tướng Michel Barnier.

Cédomir Nestorovic, Giám đốc Trung tâm Địa chính trị và Kinh doanh ESSEC nói với Newsweek rằng các đảng dân túy đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn ở Đức và Pháp sẽ đổ lỗi cho các vấn đề kinh tế ở các quốc gia này là do cuộc xung đột ở Ukraine.

"Nếu không có lệnh ngừng bắn, Đức và Pháp sẽ gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận một kế hoạch hòa bình hoặc họ sẽ liên lạc trực tiếp với Nga để soạn thảo kế hoạch hòa bình của riêng mình rồi chuyển cho Ukraine", chuyên gia này cho hay.

Ông Trudeau sẽ tiếp tục là thủ tướng Canada và là người đứng đầu đảng cho đến khi đảng này chọn được một nhà lãnh đạo mới để đưa đảng vào cuộc bầu cử tiếp theo. Không có dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi lãnh đạo này sẽ ảnh hưởng đến lập trường của Canada về Ukraine theo bất kỳ cách nào nhưng trong số các đồng minh châu Âu, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn.

Chính phủ tiếp theo của Áo có thể chứng kiến đảng Tự do cực hữu (FPO) đóng vai trò quan trọng và điều này có thể gây ra vấn đề cho Kiev do đảng này chỉ trích viện trợ quân sự và đề xuất chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Nga.

Trong khi đó, hỗ trợ quân sự cho Ukraine vẫn là một điểm gây tranh cãi ở Đức, do tranh chấp giữa ông Scholz và cựu bộ trưởng tài chính. Vì thế, có thể sẽ có nhiều áp lực chính trị hơn đối với viện trợ của Berlin cho Kiev sau cuộc bầu cử tháng 2.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/buoc-lui-ho-tro-cua-phuong-tay-cho-ukraine-truoc-nhung-roi-ren-noi-bo-post1147328.vov
Zalo