Phản ứng của các nước khi dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp
Nhiều nước đã có động thái khi bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngày 25/7, Chính phủ Nhật Bản đã ban bố cảnh báo cấp 1 đối với căn bệnh này - mức thấp nhất trong thang 4 cấp của Nhật Bản.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu công dân nước này thực hiện các biện pháp tăng cường để phòng tránh lây nhiễm; khuyến cáo những người có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc đang ở ngoài Nhật Bản đặc biệt thận trọng.
Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận 1 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Daishiro Yamagiwa cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ nhóm họp để xây dựng hệ thống phản ứng thích hợp đối với bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ về ứng phó với dịch Covid-19, ông Shigeru Omi, cho rằng bệnh đậu mùa khỉ có thể ngăn chặn được trên phạm vi toàn cầu nếu có các biện pháp phòng chống phù hợp.
Tại Singapore, cùng ngày, Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo chưa khuyến nghị tiêm chủng đại trà cho toàn dân chống bệnh đậu mùa khỉ.
Vì theo Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, nhưng đánh giá nguy cơ của tổ chức này đối với bệnh đậu mùa ở khỉ vẫn ở mức trung bình và Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình.
Cùng ngày 25/7, Bộ Y tế Singapore xác nhận có thêm 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ca đầu tiên là nam giới 46 tuổi, quốc tịch Estonia, đến từ London (Anh) và nhập cảnh vào Singapore vào ngày 21/7, có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 24/7.
Trường hợp thứ 2 là nam công dân Singapore 26 tuổi. Cả hai trường hợp đều trong tình trạng ổn định và không liên quan đến các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được Bộ Y tế Singapore công bố trước đó.
Ở Mỹ, trong thông báo ngày 24/7, Nhà Trắng cho biết nước này có thể “loại bỏ” bệnh đậu mùa khỉ bằng cách đẩy nhanh việc tiêm vaccine và điều trị.
Phát biểu trong một chương trình trên kênh truyền hình CBS News, Bác sĩ Ashish Jha, phụ trách điều phối nỗ lực đối phó với virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, nêu rõ: “Tôi nghĩ bệnh đậu mùa khỉ có thể kiểm soát được, chắc chắn như vậy. Chúng ta đã hành động nhanh chóng” ngay từ khi dịch bùng phát tại Mỹ hồi tháng 5 và lúc đó nguồn vaccine phòng đậu mùa khỉ còn hạn chế. Mới đây, Mỹ đã mua khoảng 800.000 liều vaccine từ Đan Mạch.
Về tình hình dịch bệnh, thành phố New York đang là tâm dịch tại Mỹ với phần lớn các ca bệnh là nam giới có quan hệ đồng tính.
Bác sĩ Ashish Jha cho biết virus lây lan chủ yếu trong cộng đồng người đồng tính nam, tuy nhiên nhấn mạnh những người khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt những người tiếp xúc gần với người mang virus.
Ở Liên minh châu Âu, Ủy ban châu Âu - Cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép cho vaccine Imvanex của Công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic thuộc Đan Mạch được tiếp thị là vaccine phòng chống bệnh đậu mùa khỉ như đề xuất hồi tuần trước của Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA).
Vaccine Imvanex là loại vaccine duy nhất được cấp phép để sử dụng trong phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ và Canada.
Trước nay, vaccine này mới chỉ được chấp thuận để phòng chống bệnh đậu mùa ở châu Âu. Tuy nhiên, Bavarian Nordic đã cung cấp vaccine này cho một số nước EU trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra ở khu vực châu Âu, với mục đích được gọi là "sử dụng ngoài nhãn" (tức là dùng thuốc đó cho một số chỉ định không được ghi trong hồ sơ đăng ký thuốc).
Trong thông báo, công ty Bavarian Nordic cho biết việc phê chuẩn này có hiệu lực ở toàn bộ các nước thành viên EU cũng như Iceland, Liechtenstein và Na Uy.
Ở Israel, Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết nước này đã mua 10.000 liều vaccine ngừa đậu mùa khỉ do hãng dược Đan Mạch Bavarian Nordic sản xuất.
Chính phủ sẽ bắt đầu phân phối ngay khi lô vaccine đầu tiên, gồm khoảng 5.000 liều, được chuyển đến trong vài ngày tới.
Ông nói: “Ngay sau khi nhận được vaccine, Quỹ Y tế Israel sẽ bắt đầu tiến hành tiêm chủng cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh”.
Theo Thủ tướng Lapid, đến nay Israel ghi nhận ít nhất 105 ca bệnh; Văn phòng Thủ tướng và Bộ Y tế Israel đang theo dõi thông tin toàn cầu liên quan đến căn bệnh này cũng như giữ liên lạc với giới chức y tế các nước.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.
Theo WHO, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ làm lây nhiễm trong thời gian có triệu chứng (thông thường là từ 2 đến 4 tuần). Bệnh có thể lây nhiễm nếu tiếp xúc gần với người có triệu chứng.
Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm.
Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người có nguy cơ làm lây nhiễm bao gồm cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Virus cũng có thể làm lây bệnh từ người đang có thai sang bào thai qua rau thai hoặc từ cha mẹ nhiễm bệnh sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
Hiện chưa rõ người không có triệu chứng có thể làm lây bệnh hay không.