Các công ty Đức đầu tư cho R&D nhiều hơn bao giờ hết
Các công ty Đức đã đầu tư 88,7 tỷ euro (93,61 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nội bộ công ty, trong năm 2023, tăng 8,4% so với năm 2022, và là mức kỷ lục mới.
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, đây là số liệu xu hướng ban đầu do tổ chức giáo dục, khoa học và đổi mới Stifterverband thu thập cho Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang (BMBF).
Góp phần lớn nhất cho mức tăng đầu tư cho R&D năm 2023 là các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học tiên tiến, cơ khí và công nghiệp điện.
Chi tiêu cho R&D được coi là chỉ số quan trọng đánh giá sức mạnh đổi mới của nền kinh tế vì nó đặt nền tảng cho lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Ngoài 88,7 tỷ euro kể trên, các doanh nghiệp còn có các hợp đồng nghiên cứu với bên thứ ba trị giá gần 32 tỷ euro, tăng 14,5%. Các chuyên gia của Stifterverband nhận định rằng nghiên cứu được ủy quyền bên ngoài công ty ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty.
Ông Michael Kaschke, Chủ tịch của Stifterverband, nhận định, các công ty Đức đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới kỹ thuật số nhằm rút ngắn khoảng cách và đối diện với cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, phải theo dõi chặt chẽ xem “quá trình bắt kịp này có thành công hay không”.
Chi tiêu cho R&D ở Đức nói chung tăng nhẹ lên 3,11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), từ mức 3,07% trong năm 2022. Trong tổng chi tiêu cho R&D, các thành phần kinh tế chiếm 2,12%, các trường đại học, khu vực nhà nước và các tổ chức phi lợi nhuận tư nhân chiếm 0,99%. Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ liên minh nay đã tan rã là nâng tăng tỷ lệ đầu tư cho R&D lên 3,5% GDP.
Tính theo ngành, đầu tư cho R&D của ngành thông tin và truyền thông tăng 15%. Stifterverband tính toán rằng chi phí R&D cho riêng các hoạt động lập trình trong ngành này là khoảng 5,5 tỷ euro, vượt chi phí R&D của toàn bộ ngành hóa chất.
Ngành công nghiệp ô tô vẫn đầu tư nhiều tiền nhất vào R&D, với 31 tỷ euro năm 2023, tăng 7,7% so với một năm trước đó, trong khi chi tiêu cho R&D trong kỹ thuật cơ khí tăng 11,5% lên 8,4 tỷ euro.
Nhu cầu về nhân viên nghiên cứu cũng ngày càng tăng với tổng số nhân viên làm R&D trong năm 2023 đạt 533.260 người, tăng 5,5% so với năm trước.
Trên bình diện quốc tế, năm 2022, Israel đi đầu trong đầu tư vào R&D với 6% GDP, tiếp theo là Hàn Quốc, 5,2% và Mỹ, 3,6%. Thụy Điển, Bỉ và Nhật Bản cùng đạt giá trị đầu tư hơn 3,4%.
Mặc dù Trung Quốc chỉ ở mức khoảng 2,5% nhưng nước này đã tăng chi tiêu mạnh mẽ vào R&D và do đó hiện đang dẫn đầu về công nghệ trong nhiều ngành công nghiệp.