Phần Lan - thị trường lao động tiềm năng cho người lao động Việt Nam

Chiều 13/1, tại Hà Nội, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Phần Lan.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Phần Lan.

Các chuyên gia chia sẻ thông tin tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Phần Lan.

Diễn đàn được tổ chức ngay sau Lễ ký kết Bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan trong sáng cùng ngày.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặt mục tiêu tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, với quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Xuất phát từ quan điểm vừa nêu, cùng với việc đẩy mạnh công tác giáo dục nghề, tạo việc làm ở trong nước, Việt Nam có chủ trương đẩy mạnh công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu: số lượng lao động tăng dần hàng năm; chất lượng, tín nhiệm đối với lao động Việt Nam không ngừng được nâng cao.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam đưa gần 160 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2023 ước đưa 159.986 lao động, năm 2024 đưa được 159 nghìn lao động đi làm việc ở nước nước ngoài. Hiện có khoảng 700 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, thị trường khu vực châu Âu được đánh giá là những thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia, người lao động Việt Nam bước đầu đã tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ và đào tạo cho Việt Nam đội ngũ lao động hiểu biết về khoa học, công nghệ, tác phong lao động công nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, ông Arto Olavi Satonen cho biết: Sáng nay, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã Ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan. Đây là sự hợp tác rất quý giá, vì theo những tiêu chuẩn quốc tế ngày nay thì đây là một trong những giải pháp giúp Phần Lan giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực do già hóa dân số.

Ông Arto Olavi Satonen chia sẻ: Chúng ta cần hợp tác để thực hiện bất kỳ sáng kiến nào để có thể đem được người lao động Việt Nam đến Phần Lan. Trong khi Chính phủ chúng ta đang làm việc với nhau để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lao động thì các công ty có vai trò rất quan trọng. Họ chính là người sử dụng lao động sẽ tiếp nhận những người lao động của Việt Nam. Hiện nay ngày càng có nhiều công ty Phần Lan tuyển dụng người lao động ở nước ngoài, đồng thời có sự hỗ trợ dịch vụ công về phía Chính phủ để những lao động nước ngoài hoạt động tốt nhất đến với chúng tôi. "Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với Phần Lan, liên quan đến lĩnh vực lao động và còn rất nhiều tiềm năng mà chúng tôi đánh giá cao như: kỹ năng của lao động Việt Nam và trình độ tiếp cận công nghệ của người lao động Việt Nam..."

Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đại diện Thương vụ Phần Lan đã giới thiệu về chính sách cung ứng và tiếp nhận nguồn nhân lực giữa hai bên; một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chia sẻ về khả năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam khi sang Phần Lan như: Tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và khả năng nắm bắt nghề...

Ngoài ra, đại diện hai bên cũng chỉ ra những hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết khác mà lao động Việt Nam cần bổ sung, tăng cường để có thể đáp ứng nhu cầu khi sang làm việc tại Phần Lan.

NHẬT ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phan-lan-thi-truong-lao-dong-tiem-nang-cho-nguoi-lao-dong-viet-nam-post855818.html
Zalo