Lợi nhuận Ricons tăng gần gấp đôi năm 2024

Ricons đã ghi nhận một năm kinh doanh khởi sắc, song áp lực phải dự phòng hàng trăm tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi vẫn là 'bài toán' đau đầu cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận Ricons tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons đã đạt doanh thu thuần 2.356 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ việc cải thiện hiệu quả giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đã tăng 49%, đạt 145 tỷ đồng, đưa biên lợi nhuận gộp lên mức 6,15%.

Trong quý này, Ricons ghi nhận 30 tỷ đồng doanh thu tài chính (giảm 9%) và 10 tỷ đồng lợi nhuận khác. Đồng thời, chi phí tài chính giảm mạnh 92%, chỉ còn 3 tỷ đồng, và chi phí quản lý giảm 47%, xuống còn 132 tỷ đồng. Nhờ những yếu tố này, lãi trước thuế của Ricons trong quý IV/2024 đạt 51 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 4,2 lần.

Tính chung cả năm 2024, doanh thu thuần của Ricons đạt 8.011 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Đặc biệt, doanh thu từ lĩnh vực bất động sản đạt 224 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần, trở thành điểm sáng trong cơ cấu doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Ricons là mức lãi cao nhất trong vòng 3 năm qua. Ảnh: Ricons.

Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Ricons là mức lãi cao nhất trong vòng 3 năm qua. Ảnh: Ricons.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Ricons cải thiện hiệu quả kinh doanh là việc tối ưu hóa giá vốn. Nhờ đó, lợi nhuận gộp cả năm đạt 426 tỷ đồng, tăng 2,2 lần, với biên lợi nhuận gộp đạt 5,31%. Riêng lĩnh vực xây lắp, biên lợi nhuận gộp đạt 4,46%.

Ngoài ra, doanh thu tài chính trong năm 2024 đạt 193 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước, chủ yếu nhờ vào khoản lãi từ việc chậm thanh toán. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 66%, chỉ còn 23 tỷ đồng.

Mặc dù chi phí quản lý tăng nhẹ 5%, lên 390 tỷ đồng, Ricons vẫn ghi nhận lãi trước thuế 207 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 159 tỷ đồng, tăng 91%, đánh dấu mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 3 năm qua (kể từ năm 2021). Đáng chú ý, con số này vượt 165% so với chỉ tiêu lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Trong năm 2024, Ricons cũng đã thành công trong việc trúng thầu nhiều dự án lớn, bao gồm các dự án nổi bật như Imperia Smart City của MIK Group và Lumi Hanoi của CapitaLand Development. Đáng chú ý, Ricons cùng với Newtecons và SOL E&C cũng là bộ 3 doanh nghiệp đã góp mặt trong liên danh Vietur, trúng thầu gói thầu trị giá 35.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành.

Nợ xấu vẫn đeo bám Ricons

Đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Ricons đạt gần 6.835 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm hơn 713 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 35%, lên mức hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (hơn 965 tỷ đồng) và đầu tư trái phiếu (hơn 37 tỷ đồng).

Hàng tồn kho của công ty hiện ở mức hơn 432 tỷ đồng, giảm 43% so với trước, chủ yếu do các chi phí công trình dở dang tại một số dự án như Nhà ga hành khách T3 (hơn 132 tỷ đồng), sân bay Long Thành (hơn 70 tỷ đồng), và nhà kho SLP Park Xuyên Á (gần 61 tỷ đồng).

Một điểm đáng chú ý là theo thuyết minh báo cáo của Ricons, Công ty Xây dựng Coteccons (mã CTD) vẫn còn nợ hơn 322 tỷ đồng, trong khi Công ty Cổ phần TCT Hợp tác KT Việt Lào nợ gần 660 tỷ đồng.

Năm 2024, khoản dự phòng phải thu của Ricons tăng mạnh 92%, lên tới 481 tỷ đồng, phản ánh những thách thức trong quản trị rủi ro công nợ. Cụ thể, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 341 tỷ đồng (tăng 36%), và dự phòng phải thu dài hạn khó đòi là 140 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 227 tỷ đồng được dự phòng cho khoản phải thu từ Coteccons, cùng với 140 tỷ đồng dự phòng cho trái phiếu dài hạn.

Phải thu là các khoản khách hàng nợ công tу về hàng hóa hoặc dịch ᴠụ đã được giao hoặc sử dụng nhưng chưa thanh toán. Theo quy định, vào thời điểm lập báo cáo tài chính năm, nếu các khoản nợ phải thu được xác định khó đòi, doanh nghiệp phải dự kiến mức tổn thất và tiến hành lập dự phòng kèm theo chứng cứ. Các khoản dự phòng này sẽ tính vào chi phí, được trừ ra khi xác định thu nhập chịu thuế. Do đó, đây được xem như cách bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp.

Với việc Coteccons chưa thanh toán công nợ, cuối tháng 7/2023, Ricons công bố đã nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP HCM mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.

Nhưng Tòa án đã bác đơn vào đầu tháng 10/2023. Coteccons cho biết cả hai doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (công nợ) từ giai đoạn trước năm 2019 khi còn thuộc hệ sinh thái dưới thời ông Nguyễn Bá Dương.

Nguyên nhân doanh nghiệp này không thanh toán công nợ cho Ricons là vì chưa được chủ đầu tư dự án trả tiền và hợp đồng đã ký giữa đôi bên có điều khoản quy định rõ, chỉ khi Coteccons nhận khoản thanh toán từ chủ đầu tư, mới chi trả cho các nhà thầu phụ.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2024 của Ricons đạt 4.241 tỷ đồng, giảm 21% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 249 tỷ đồng, giảm 59%. Với vốn chủ sở hữu đạt 2.593 tỷ đồng, tăng 5,3%.

Thanh Thắng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/loi-nhuan-ricons-tang-gan-gap-doi-nam-2024-19225012813455906.htm
Zalo