Phần Lan: Thách thức trong quản lý tài nguyên nước, môi trường biển

Cuộc kiểm toán xem xét quá trình kiểm soát, hoạt động tài trợ, tính hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên nước và môi trường biển do Kiểm toán nhà nước Phần Lan (NAOF) thực hiện đã chỉ ra nhiều thiếu sót tại Bộ Môi trường và Bộ Nông - Lâm nghiệp của Phần Lan.

Phần Lan tiếp tục nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước và môi trường biển. Ảnh: ST

Phần Lan tiếp tục nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước và môi trường biển. Ảnh: ST

Theo Đạo luật về Tổ chức quản lý lưu vực sông và Chiến lược biển, mục tiêu chung của việc quản lý tài nguyên nước và môi trường biển là bảo vệ, cải thiện, phục hồi tài nguyên nước và Biển Baltic để tình trạng nước mặt, nước ngầm hoặc Biển Baltic không bị suy giảm, ít nhất có thể duy trì ở mức tốt. Vấn đề quan trọng nhất ở các vùng nước, vùng biển của Phần Lan là tình trạng phú dưỡng do tích tụ chất dinh dưỡng, chủ yếu từ nông nghiệp.

Phú dưỡng là tình trạng lượng dinh dưỡng tăng cao đột ngột, thường đến từ các hoạt động như: Nông nghiệp, công nghiệp hoặc lưu thông nước từ các khu vực đô thị. Hiện tượng này thường xảy ra khi dung lượng chất dinh dưỡng dư thừa quá mức trong hệ thống sinh thái của nước; dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo và thực vật nước.

NAOF chỉ ra rằng, Bộ Môi trường và Bộ Nông-Lâm nghiệp chưa sử dụng hiệu quả ngân sách nhằm giảm tình trạng tích tụ dinh dưỡng từ nông nghiệp. Các Bộ cần xác định rõ mục tiêu cần thực hiện, phân bổ tài chính hợp lý, áp dụng biện pháp hiệu quả và công khai thông tin về những tác động của việc sử dụng ngân sách.

NAOF đã tiến hành cuộc kiểm toán nhằm đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả của các biện pháp chính quyền trung ương đưa ra nhằm giảm tích tụ dinh dưỡng từ nông nghiệp, thông qua các kế hoạch quản lý lưu vực sông và chiến lược biển. Cuộc kiểm toán cũng xem xét các chương trình tài trợ cho công tác quản lý; giám sát, đánh giá, báo cáo và truyền thông về quản lý tài nguyên nước và môi trường biển.

NAOF chỉ ra rằng, quá trình phú dưỡng của các vùng nước và khu vực biển gây thiệt hại đáng kể về môi trường cũng như tổn thất tài chính. Khó có thể ước tính tổng ngân sách được sử dụng để quản lý tài nguyên nước và môi trường biển vì việc cấp ngân sách không được lập kế hoạch và giám sát tổng thể. Khi phê duyệt các kế hoạch quản lý, Chính phủ không phân bổ tài chính để thực hiện kế hoạch. Các quyết định phân bổ tài chính được thực hiện rời rạc với quá trình lập kế hoạch ngân sách. Mức độ ảnh hưởng của các kế hoạch quản lý đối với việc cấp ngân sách không được xác định rõ.

Phần lớn nguồn tài chính phân bổ cho việc quản lý tài nguyên nước và môi trường biển do Bộ Nông - Lâm nghiệp quản lý. Trong 10 năm qua, nhiều khoản ngân sách cũng được cấp cho chương trình thử nghiệm tái chế dinh dưỡng của Bộ Nông - Lâm nghiệp; chương trình tăng cường bảo vệ nguồn nước, chương trình thúc đẩy tái tạo dinh dưỡng, cải thiện tình trạng Biển Archipelago của Bộ Môi trường.

NAOF bày tỏ lo ngại khi 30 năm qua, mặc dù được cấp ngân sách khá nhiều, tình trạng của các vùng nước và vùng biển vẫn chưa được cải thiện tốt hơn; lượng dinh dưỡng dư thừa từ nông nghiệp không giảm đi nhiều. Các mục tiêu mới về môi trường đặt ra cho giai đoạn 2024-2030 nhằm quản lý môi trường biển cũng bao gồm các mục tiêu cho nông nghiệp. Dù Phần Lan có thể đạt được các mục tiêu hiện tại, điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo các vùng nước khu vực duyên hải có tình trạng tốt.

Cơ quan kiểm toán khuyến nghị cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng nhằm giảm sự tích tụ chất dinh dưỡng từ nông nghiệp trong quá trình lập kế hoạch quản lý tài nguyên nước và môi trường biển cũng như các chương trình cấp ngân sách liên quan. Qua đó, NAOF mới có thể đánh giá chi tiết tiến độ đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Dựa trên kết quả kiểm toán, NAOF cho rằng, chính quyền trung ương chưa có vai trò rõ ràng trong việc lựa chọn, lập kế hoạch và giám sát các biện pháp được thực hiện để quản lý tài nguyên nước và môi trường biển. NAOF khuyến nghị, để đạt được các mục tiêu đề ra, các Bộ cần tăng cường tính minh bạch của việc ra quyết định, bao gồm tiến hành đánh giá có hệ thống các biện pháp được thực hiện; giải trình công khai về các lựa chọn được đưa ra để đạt được mục tiêu, đặc biệt chú trọng đến hiệu quả chi tiêu trong công tác bảo vệ nguồn nước.

Theo NAOF, những biện pháp quan trọng nhất để giảm tích tụ dinh dưỡng là thực hiện các biện pháp giảm bón phân không cần thiết, ngăn chặn sự di chuyển dinh dưỡng từ các cánh đồng đến các vùng nước, thúc đẩy việc chuyển chất dinh dưỡng từ các khu vực dư thừa đến khu vực cần dinh dưỡng theo cách bền vững về mặt kinh tế và môi trường... Các hạn chế về bón phân được quy định trong Nghị định về phốt pho, có hiệu lực vào năm 2023, vẫn vượt quá nhu cầu của cây trồng. Do đó ở nhiều nơi, việc sử dụng phốt pho trên đất canh tác vẫn vượt quá nhu cầu của cây.

Ngoài ra, các Bộ được khuyến nghị cung cấp thông tin giám sát toàn diện, mang tính hệ thống về tính hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và các chương trình tài trợ liên quan. Trên cơ sở đó, NAOF có thể báo cáo lên Quốc hội và người dân một cách toàn diện và thuyết phục về công tác này./.

(Theo NAOF và tổng hợp)

YẾN NHI

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phan-lan-thach-thuc-trong-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-moi-truong-bien-37648.html
Zalo