Phân khúc bất động sản nào hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đang tích cực tham gia vào thị trường này, đặc biệt là trong các phân khúc bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp và thương mại.

Nguồn: VARS. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: VARS. Đồ họa: Văn Chung

“Nhiệt thị trường” sẽ lan tỏa

Báo cáo dự báo thị trường của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) cho biết, "nhiệt thị trường" BĐS năm 2025 sẽ tỏa dần đều hơn giữa các khu vực. Trong đó, khu vực miền Bắc vẫn tiếp tục sức nóng, khu vực miền Nam có dấu hiệu tăng nhiệt rõ rệt và loại hình biệt thự/liền kề dần trở thành "tâm điểm" thị trường. Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có thêm tín hiệu tích cực, đặc biệt là sản phẩm condotel (căn hộ du lịch nghỉ dưỡng) khi bắt đầu có các dự án đang hoạt động được cấp sổ.

Phân khúc BĐS công nghiệp đón nhận nhiều tín hiệu tích cực đến từ kết quả phục hồi của nền kinh tế, cũng như những cơ hội mở ra từ nhiều "gã khổng lồ" trên thế giới với quyết định chọn Việt Nam là "bến đậu".

Sự tăng trưởng rõ nét này không chỉ làm “nóng” các khu vực BĐS truyền thống mà còn thúc đẩy xu hướng phát triển của các mô hình giàu tiềm năng, phân khúc này mang đến giá trị sống - nghỉ dưỡng, nơi sức khỏe thể chất và tinh thần được cân bằng một cách hoàn hảo. Mô hình tích hợp các tiện ích như thiền, yoga, onsen, massage và những mảng xanh trong lành,...

Theo Avison Young Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, họ nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Do đó, những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Cũng trong năm 2024, những thay đổi lớn về chính sách, xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để tiếp tục giữ tầm nhìn lạc quan về thị trường BĐS Việt Nam. Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn cũng là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Pháp lý luôn là vấn đề được chú ý

Theo bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận Môi giới và Đầu tư Savills Hà Nội, phân khúc BĐS nhà ở vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang chứng kiến quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang tăng cao. Mặc dù thị trường có những khó khăn nhất định, bao gồm vấn đề pháp lý và sự thiếu hụt nguồn cung các dự án mới, nhưng đây lại chính là yếu tố làm cho BĐS nhà ở trở thành một cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Bà Nguyễn Lê Dung cho biết thêm: "Nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rằng BĐS nhà ở Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Mặc dù nguồn cung hiện tại còn hạn chế, nhưng nhu cầu thực tế vẫn đang gia tăng. Các dự án nhà ở phù hợp với nhu cầu của người dân, đặc biệt là các căn hộ ở các vị trí trung tâm và khu vực đô thị, sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư".

Không chỉ có BĐS nhà ở, phân khúc bất động sản công nghiệp cũng đang là một điểm sáng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, đang khiến loại hình BĐS này trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

BĐS công nghiệp, đặc biệt là các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đang thu hút sự quan tâm lớn từ các quỹ đầu tư và chủ đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, phân khúc BĐS thương mại, bao gồm các trung tâm thương mại và không gian dịch vụ đa chức năng, cũng đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của thị trường bán lẻ và nhu cầu dịch vụ ngày càng tăng là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của phân khúc này.

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân, nhờ vào khả năng linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh với thị trường. Điều này giúp các doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng vận hành và triển khai các dự án BĐS hiệu quả hơn. Các nhà đầu tư hiện nay rất chú trọng đến những dự án có khả năng phát triển bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng.

Ngoài yếu tố phát triển bền vững, vấn đề pháp lý luôn là một yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài rất chú trọng. Pháp lý là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đầu tư vào BĐS. Các nhà đầu tư sẽ chỉ thực hiện các giao dịch nếu họ cảm thấy chắc chắn về tính minh bạch và ổn định của pháp lý. Các vấn đề pháp lý không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của nhà đầu tư.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng đến những dự án có sự bảo vệ pháp lý rõ ràng, tuân thủ các quy định của chính phủ và cơ quan chức năng, giúp đảm bảo rằng các giao dịch và dự án được thực hiện một cách suôn sẻ.

Lực đẩy chính đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Lực đẩy chính của bất động sản công nghiệp đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Năm 2024, vốn FDI đổ vào bất động sản đạt hơn 6,3 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ, tiếp tục ở vị trí thứ 2 và chỉ đứng sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 25,58 tỷ USD). Số vốn đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phan-khuc-bat-dong-san-nao-hap-dan-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-168355.html
Zalo