Phần cứng – phần mềm của trung tâm tài chính quốc tế
Khi nhắc đến việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trong đầu nhiều người hình dung ngay đến các trụ sở cao tầng, các con phố chuyên cho hoạt động giao dịch tài chính, các dãy bàn với màn hình giao dịch sôi động... Đó là bởi phần cứng của một trung tâm tài chính dễ nhìn thấy, dễ đặt mục tiêu xây dựng và xác định cột mốc hoàn thành.
Thế nhưng phần quan trọng của một trung tâm tài chính quốc tế nằm ở chỗ khác - tạm gọi là phần mềm, không thể thiếu để một trung tâm như thế hoạt động hiệu quả. Phần mềm của một trung tâm tài chính bao gồm hành lang pháp lý, cơ chế hoạt động, cơ chế thuế, bộ máy vận hành, nguồn nhân lực để cung cấp cho các thành phần tham gia. Đây mới là những thử thách chúng ta phải vượt qua để xây dựng thành công một trung tâm tài chính quốc tế.
Thử thách đầu tiên là liệu chúng ta đã nghĩ ra một cơ chế nào đặc biệt cho trung tâm tài chính hoạt động trên nguyên tắc mở cửa cho thị trường vốn lưu chuyển tự do. Là một nước đang phát triển, chúng ta phải đặt ra những quy tắc để kiểm soát dòng vốn vào ra để tránh các ảnh hưởng tiêu cực của dòng vốn đầu cơ ngắn hạn, những thủ thuật thao túng tỷ giá, các công cụ phái sinh phức tạp... Nhưng một trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa không thể thiếu một thị trường vốn linh hoạt, như một trái tim phải để máu lưu thông thông suốt.
Thử thách thứ nhì là đào tạo nguồn nhân lực, từ ngoại ngữ phải thật lưu loát để giao dịch với đối tác quốc tế đến kỹ năng công nghệ thông tin thật thành thạo để viết phần mềm giao dịch trong đó tốc độ được tính bằng phần ngàn giây. Kiến thức đào tạo không chỉ là tài chính, luật quốc tế mà còn là sự khác biệt văn hóa để tạo ra một môi trường thân thiện cho tất cả mọi người đến từ những nước khác nhau.
Thứ nữa, một thị trường sôi động trước hết phải sôi động với người dân trong nước. Làm sao để nhanh chóng đưa kiến thức tài chính quốc tế đến với người dân để họ tham gia vào hoạt động tài chính, dù chỉ ở các bước ban đầu như mua trái phiếu, là một bước đi thiết yếu. Là một nước đi sau trong lĩnh vực tài chính quốc tế, chúng ta phải có những đột phá trong các lĩnh vực mới như tiền mã hóa, tiền điện tử chính thức của các nước phát hành. Đây thật ra là một lợi thế vì người dân nước ta rất nhạy bén với cái mới; tỷ lệ tham gia vào các hoạt động tiền mã hóa thuộc loại cao trên thế giới. Một điểm có thể tạo ra sự khác biệt nữa là kết nối trung tâm tài chính với chuỗi cung ứng hàng hóa hay khu thương mại tự do.
Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào trung tâm tài chính quốc tế chúng ta đang muốn xây dựng, trước hết cũng cần phải củng cố các cơ sở trong nước, làm hạt nhân ban đầu như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty dịch vụ tài chính, các FinTech... Các nơi này mạnh thì trung tâm mới mạnh.
Xây dựng phần mềm phục vụ cho trung tâm tài chính khó hơn xây các tòa nhà và mất nhiều thời gian hơn. Để thành công, chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ và bắt đầu từ khâu đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ chế cho một trung tâm tài chính quốc gia.