Phân cấp, phân quyền để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 15-2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi theo hướng phân định, làm rõ, hoàn thiện việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền cho chính quyền địa phương để chúng ta thực hiện một phương châm theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư đó là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng nhằm xây dựng một cơ chế pháp lý, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc đang tồn tại trong các luật chuyên ngành, để khơi thông và thực hiện được nguyên tắc về phân quyền, phân cấp và ủy quyền của Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Chính quyền địa phương.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp, phân quyền để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Ảnh: TRỌNG HẢI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51483116/cbd70d1b3e55d70b8e44.jpg)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nguyên tắc phân cấp, phân quyền để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Ảnh: TRỌNG HẢI
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 177/259 luật chuyên ngành hiện đang quy định rất cụ thể thẩm quyền của bộ trưởng, 152 luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Thủ tướng, 141 luật quy định rất cụ thể thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, chồng chéo với 92 luật quy định cả 3 cấp, đều là những nhiệm vụ của chính quyền địa phương. “Những vấn đề như thế nếu không đưa ra cơ chế pháp lý để tháo gỡ thì rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Tại phiên họp, các đại biểu quan tâm nhiều đến nguyên tắc tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và phân định thẩm quyền trong việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu nguyên tắc chung quy định tại Hiến pháp, Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như các chủ trương chung của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó thiết kế trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo tinh thần đổi mới để bảo đảm được yêu cầu vận hành thực tiễn sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung hoàn thiện hơn, làm rõ hơn về thế nào là tiếp tục đổi mới về quản trị địa phương, quản trị quốc gia. Đây là những vấn đề rất quan trọng để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
“Chúng tôi sẽ làm rõ thêm nội hàm trong này, có thể nêu khái niệm. Bởi vì đây không phải là vấn đề mới, thực chất là vấn đề rất phổ biến. Làm sao chúng ta vận hành cho một chính quyền địa phương phải đảm bảo được đa chủ thể, đó là Nhà nước, thị trường, xã hội, các tổ chức, công dân đều tham gia vào trong quá trình xây dựng hệ thống chính sách của chúng ta và góp phần vào việc đó là thúc đẩy sự phát triển của đất nước chúng ta”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
![Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_16_51483116/144add86eec807965ed9.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, mục tiêu của phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp là để phân định cho việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với các cơ quan nhà nước ở địa phương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của một nền hành chính quốc gia.
Về nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn làm sao để địa phương thực sự chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm trong vận hành của mình và bảo đảm được nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”.
“Chúng tôi đã cố gắng thiết kế về mặt tổng thể đã thể hiện được một cách rất cụ thể, rành mạch về nguyên tắc, mối quan hệ chặt chẽ, tương tác, trách nhiệm giữa các chủ thể, phạm vi, hình thức, quản lý, điều kiện bảo đảm. Trách nhiệm giữa chủ thể phân quyền, phân cấp, ủy quyền với chủ thể nhận phân quyền, phân cấp và ủy quyền và cũng phù hợp với phương thức quản lý về phân quyền, phân cấp về phương thức pháp lý để thực hiện việc này”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Cho rằng phát hiện của các đại biểu Quốc hội rất đúng về tính liên thông giữa Luật Tổ chức Chính phủ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần tiếp tục hoàn thiện thêm để bảo đảm thực hiện được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Đây chính là căn cứ, nguyên tắc để chúng ta giải quyết tất cả các luật chuyên ngành hiện nay đang thít chặt lại, không thể thực hiện được việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền”.
Các đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến phải có cơ chế khuyến khích cho chính quyền địa phương để đề nghị về việc phân cấp. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ nghiên cứu thêm nội dung này cho rành mạch và rõ ràng hơn.