Phạm nhân chờ đặc xá: 'Nghĩ tới cảnh về với con, nước mắt tôi không ngừng rơi'
Có tên trong danh sách đề nghị xét đặc xá, phạm nhân Nguyễn Hoàng Sơn chia sẻ: 'Chỉ cần nghĩ đến khoảnh khắc bước ra khỏi cánh cổng trại giam, bắt xe về đoàn tụ với con là nước mắt tôi không ngừng rơi'.
Ngày 27/4, Công an TP Hà Nội cho biết, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 80 phạm nhân tại Trại tạm giam số 1 đã có tên trong danh sách đề nghị Chủ tịch nước xét đặc xá.

Các phạm nhân mong chờ ngày trở về với gia đình. Ảnh: N.B.
Phạm nhân Nguyễn Hoàng Sơn (SN 1993, trú tại huyện Đông Anh) là một trong số đó. Trước khi vướng vào vòng lao lý, Sơn là nhân viên văn phòng.
Trong một lần đi liên hoan cùng đồng nghiệp, do sử dụng đồ uống có cồn, Sơn gây tai nạn giao thông làm 1 người tử vong và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù giam về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".
Những ngày tháng sau song sắt trại giam cũng là quãng thời gian quý báu để Sơn chiêm nghiệm và nhìn nhận lại giá trị cuộc sống.
“Những ngày đầu vào trại, nghĩ đến cảnh xa gia đình, nhất là hai con thơ dại, tôi đau buồn lắm. Nhưng nhờ được các cán bộ quản giáo động viên, chia sẻ, tôi đã dần suy nghĩ tích cực hơn”, Sơn chia sẻ.
Vợ Sơn phải một mình chăm sóc hai con nhỏ nên không thể thường xuyên thăm nuôi chồng, vài tháng mới vào thăm được một lần. Hai con nhỏ lâu nay vẫn nghĩ bố đang đi làm ăn xa...
“Những ngày này, tôi đếm từng giờ, từng phút. Chỉ cần nghĩ đến khoảnh khắc được đặc xá, bước ra khỏi cánh cổng trại giam, bắt xe về đoàn tụ với con là nước mắt tôi không ngừng rơi.
Khi được hưởng sự khoan hồng, tôi tự hứa sẽ cố gắng tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm một công việc lương thiện, làm tròn bổn phận người con, người cha”, Sơn xúc động nói.

Cán bộ trại giam đang tư vấn hướng nghiệp cho các phạm nhân. Ảnh: N.B.
Trong khi đó, phạm nhân Nguyễn Văn Chiến cho biết: "Tôi được các cán bộ giúp đỡ rất nhiều. Dù chưa đủ điều kiện để viết đơn đề nghị đặc xá, nhưng chứng kiến anh em chuẩn bị được trở về đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng cải tạo thật tốt, sớm có ngày đoàn tụ với gia đình”.
Trung tá Trần Ngọc Hạnh, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội, cho biết: “Đơn vị đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề với mong muốn mỗi phạm nhân khi trở lại đời thường đều có kỹ năng, nghề nghiệp để mưu sinh ổn định”.
Bên cạnh đó, trại còn tổ chức các lớp học tập kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức và tạo điều kiện ban đầu cho người được đặc xá tự tin hòa nhập xã hội, xóa bỏ mặc cảm, phấn đấu trở thành công dân có ích.
Dự kiến, ngày 1/5, sẽ tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Do đó, cùng với việc triển khai thực hiện đặc xá năm 2025, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng công an cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp hệ thống chính trị ở cơ sở sớm có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.