Phải lấy ý kiến Công đoàn khi lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động giúp doanh nghiệp có một khoản tài chính để thực hiện công tác này. Khi lập kế hoạch, người sử dụng lao động phải bàn với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

An toàn, vệ sinh lao động luôn là vấn đề được người sử dụng lao động cũng như người lao động quan tâm. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình về vấn đề này. Vì vậy, tại nhiều cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến, người lao động đã đặt câu hỏi liên quan đến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Anh Trần Mạnh Tùng, đoàn viên Công đoàn quận Hai Bà Trưng không rõ quyền lợi về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định như thế nào? Khi lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải dựa trên những căn cứ nào?

Chị Vũ Thanh Thủy, Công ty cổ phẩn Chứng khoán quốc gia muốn được giải đáp trong trường hợp người lao động thử việc gặp tai nạn lao động thì được hưởng quyền lợi gì? Còn anh Trịnh Tiến Đạt, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Nội lại băn khoăn kế hoạch an toàn vệ sinh lao động có phải lấy ý kiến của Công đoàn cơ sở không...

An toàn, vệ sinh lao động luôn là vấn đề được người sử dụng lao động cũng như người lao động quan tâm. (Ảnh: Phương Ngân)

An toàn, vệ sinh lao động luôn là vấn đề được người sử dụng lao động cũng như người lao động quan tâm. (Ảnh: Phương Ngân)

Giải đáp câu hỏi của anh Trần Mạnh Tùng, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi - Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn) cho hay, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc.

Đồng thời, được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Người lao động cũng được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Người lao động có quyền từ chối làm công việc, hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.

Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

TS Đỗ Thị Lan Chi cũng cho hay, việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ: Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp...

Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động giúp doanh nghiệp có một khoản tài chính để thực hiện công tác này. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chỉ liệt kê ra các danh mục mà không có dự kiến chi phí, dẫn đến nhiều kế hoạch không thực hiện được. Do đó, khi lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải bàn với Ban chấp hành Công đoàn, để xem với những kinh phí dự kiến, sẽ triển khai những nội dung nào, bộ phận nào thực hiện...

Với mỗi kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, ngoài chế độ của người lao động như khám sức khỏe, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tuyên truyền huấn luyện, còn có một nội dung rất quan trọng là cải thiện điều kiện làm việc, liên quan đến kỹ thuật an toàn và kỹ thuật vệ sinh. Vì vậy, doanh nghiệp đều phải phải lấy ý kiến của Công đoàn cơ sở...

Về trường hợp trong thời gian thử việc người lao động bị tai nạn lao động, TS Đỗ Thị Lan Chi cho biết, người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động đã ký hợp đồng chính thức.

Khi người lao động thử việc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu và tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị. Đồng thời, thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn; thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức bồi thường theo quy định của pháp luật...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phai-lay-y-kien-cong-doan-khi-lap-ke-hoach-an-toan-ve-sinh-lao-dong-171598.html
Zalo