Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
Mặc dù quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, song đến thời điểm hiện tại, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế vẫn được đảm bảo. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, kinh tế của tỉnh đã có bước tăng trưởng đáng khích lệ.
Những điểm sáng
Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tình hình sản xuất, kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trải qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh đạt kết quả khả quan.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,7%/năm; trong đó GRDP năm 2022 tăng 19,8%, cao nhất cả nước và năm 2023 tăng 10,24%, đứng thứ 4 cả nước. Năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng GRDP ước đạt 12,35%; tính chung giai đoạn 2021 - 2024, GRDP ước tăng bình quân 8,9%/năm.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt khoảng 277.500 tỷ đồng, tốc độ tăng 12,2%/năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 66.800 tỷ đồng, tăng bình quân 7,1%/năm; đảm bảo đạt và vượt dự toán thu ngân sách Trung ương giao hàng năm, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, giai đoạn này, công nghiệp vẫn giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. GRDP ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 ước tăng bình quân 12,7%/năm; tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, công nghiệp tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn này, GRDP ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân khoảng 8,2%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 397.800 tỷ đồng, tăng bình quân 14,9%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt gần 6,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm. Đối với lĩnh vực du lịch, doanh thu giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 90.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 67,6%/năm.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã khánh thành, đoạn Vân Phong - Nha Trang và tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang thi công. Hệ thống đô thị ven biển được tập trung phát triển. Khu Kinh tế Vân Phong thu hút được nhiều dự án lớn, cả về phát triển đô thị du lịch biển và đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, logistics.
Với kết quả này, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện, hoàn thành vượt mức những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được phát huy mạnh mẽ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Để có được kết quả như vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra được thực hiện khá tốt. Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư để sớm đưa các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất.
Phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ có những thuận lợi và thách thức đan xen. Khánh Hòa tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/QH/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Kinh tế sẽ chịu tác động mạnh bởi nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. “Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm; đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể đối với các chỉ tiêu đến nay chưa đạt và khó đạt theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (như: Chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội…); chú trọng đề ra và triển khai giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới tư duy, cách làm, tăng cường nghiên cứu những kiến thức mới, cách làm hay của các bộ, ngành Trung ương, địa phương khác trong cả nước, chủ động xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương; triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, nhất là các quy hoạch phân khu tại Khu Kinh tế Vân Phong và đô thị mới Cam Lâm; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo phân cấp, đúng thẩm quyền quy định. UBND tỉnh cũng xác định tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, 2025; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Vân Phong - Nha Trang; Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang; Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang; Dự án Đường D30 - Kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp; Dự án Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh; Dự án Trụ sở làm việc Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, UBND tỉnh… Nếu thực hiện tốt những giải pháp đề ra, dự báo GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng bình quân ước đạt 8,69%/năm (mục tiêu đề ra 7,5%/năm trở lên); GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt 131,9 triệu đồng (mục tiêu đề ra 5.685 USD, tương đương 131,9 triệu đồng), tăng gấp 2,1 lần so với năm 2021.
Các chỉ tiêu kinh tế nhiệm kỳ 2020 - 2025:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm đạt 7,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.685 USD.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ (chiếm 52,6%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 31,1%) và giảm tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản (chiếm 7,8%).
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2025 đạt 2 tỷ USD.
- Thu ngân sách nội địa năm 2025 gấp 2,2 lần so với năm 2020.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2021 - 2025 đạt hơn 360 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 12%.
- Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GRDP hàng năm đạt 55 - 60%.
- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP bình quân hàng năm đạt 40%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,8%.