TS. Võ Trí Thành: Fed giảm lãi suất tạo dư địa tốt hơn cho sách tiền tệ của Việt Nam

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện để chính sách tiền tệ của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam bớt áp lực hơn, linh hoạt hơn và nhiều dư địa hơn để hỗ trợ tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định.

Sau cuộc họp thường kỳ tháng 9 (ngày 17-18/9/2024, theo giờ Mỹ), Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm 0,5 điểm %, đưa lãi suất này về mức 4,75 - 5%.

Đây là lần đầu tiên Fed cắt giảm lãi suất kể từ tháng 3/2020, sau 11 lần tăng lãi suất liên tục từ tháng 3/2022 và giữ nguyên mức kỷ lục 5,25 - 5,5% kể từ tháng 7/2023 đến nay. Việc cắt giảm mạnh lãi suất đưa ra tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed theo hướng nới lỏng.

Theo TS. Võ Trí Thành, việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực tới chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ảnh: ST

Theo TS. Võ Trí Thành, việc Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực tới chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ảnh: ST

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Võ Trí Thành cho biết: Việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ góp phần giảm sức ép đối với tỷ giá, lãi suất, lạm phát và như vậy sẽ tạo điều kiện để chính sách tiền tệ của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam - một đất nước với nền kinh tế mở - bớt áp lực hơn, xử lý các vấn đề được linh hoạt hơn và nhiều dư địa hơn.

Điều đó cũng góp phần tích cực hơn trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, nhất là ở thời điểm này, bên cạnh phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn so với kế hoạch mà Quốc hội đề ra là 6,5%, chính sách tiền tệ với nhiều dư định và linh hoạt hơn còn tạo thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ở những vùng chịu tác động của cơn bão Yagi.

Theo TS. Võ Trí Thành, một điều thấy rõ nhất trong những tháng gần đây là mức độ mất giá của Việt Nam đồng (VND) so với đồng USD đã giảm rất nhanh. Minh chứng là, từ đầu năm đến tháng 5/2024, VND mất giá khoảng 5% so với USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đã giảm xuống, chỉ còn trên 2%.

Về lãi suất, TS. Võ Trí Thành cho biết, vừa qua, lãi suất huy động tăng nhiều nhưng lãi suất cho vay về cơ bản ổn định. Với việc giảm lãi suất của Fed, áp lực lên lãi suất sẽ giảm. Chúng ta từng quan ngại: Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng. Nhưng bây giờ, áp lực giảm, chúng ta có thể giữ được mặt bằng lãi suất cho vay, duy trì tính ổn định của lãi suất, thậm chí là giảm lãi suất để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, những người kinh doanh, giúp họ vơi bớt khó khăn.

Nếu nhìn vào động thái của chính sách tiền tệ thời gian gần đây thì có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tín phiếu trên thị trường mở. Điều đó thể hiện áp lực lên tỷ giá, lãi suất giảm, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng, nhất là hỗ trợ những doanh nghiệp gặp khó khăn trong đợt bão lũ vừa qua - TS. Võ Trí Thành nhận định.

Cũng liên quan đến tác động của việc Fed hạ lãi suất đối với nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, với việc Fed cắt giảm lãi suất, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng và bền vững hơn, kích cầu hàng hóa - dịch vụ, từ đó thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác (trong đó có VND) làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND. Điều này còn góp phần ổn định mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đồng thời, Nhóm tác giả cho rằng, việc cắt giảm lãi suất của Fed cũng tác động tích cực tới thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài./.

THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ts-vo-tri-thanh-fed-giam-lai-suat-tao-du-dia-tot-hon-cho-sach-tien-te-cua-viet-nam-34751.html
Zalo