Phải làm cho tinh thần đổi mới 'thấm' xuống cấp xã

Đóng góp ý kiến vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng vẫn còn tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh' trong thực thi, vì vậy, Chính phủ cần làm cho tinh thần đổi mới 'thấm' xuống cấp xã.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025...

Tham gia thảo luận ở Tổ 2 gồm các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh.

Phải làm cho tinh thần đổi mới "thấm" xuống cấp xã

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đại biểu Trần Anh Tuấn nhận định, mặc dù trong năm 2024, các động lực phát triển truyền thống vẫn phát huy tác dụng, nhưng trong năm 2025, các động lực này sẽ là không đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến khá phức tạp.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thống nhất với các nhận định của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra đã trình bày trước Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, kết quả giải ngân đầu tư công cũng như thu hút đầu tư xã hội chưa đạt yêu cầu. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt hơn, không chỉ giảm thuế mà còn phải nới lỏng tín dụng; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mối liên kết theo cả chiều ngang và dọc; tăng cường tính gắn kết giữa các khu vực doanh nghiệp với nhau.

Cũng theo đại biểu Trần Anh Tuấn, trong tình hình xuất nhập khẩu đứng trước nhiều yếu tố bất định như hiện nay, cần giải pháp “chống sốc” bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, cải thiện chất lượng quản lý điều hành, hướng đến sản xuất xanh, sạch…

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Đại biểu Trần Anh Tuấn

Nhìn nhận tình hình năm 2025, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, có 2 thách thức lớn nhất hiện hữu. Thứ nhất là vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ đang đặt ra rủi ro tác động rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu. Thứ hai là công cuộc tinh giản bộ máy hành chính, là việc tất yếu phải làm và sẽ có tác động tích cực về lâu về dài, nhưng đặt ra những thách thức không nhỏ trước mắt.

Bộ 4 nghị quyết quan trọng của Đảng đã bao trùm tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng cần phải được thể chế hóa một cách toàn diện. Trong khi đó, thực tế vẫn còn có hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khi đi vào quy định cụ thể. Tinh thần của các nghị quyết là giảm thủ tục hành chính, nhưng hàng loạt “giấy phép con” vẫn tiếp tục mọc ra.

Trong thực thi vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cơ quan Trung ương rất quyết tâm nhưng ở một số địa phương thiếu sự nhiệt tình. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là phải làm cho tinh thần đổi mới "thấm" xuống đến cấp xã.

Tài sản công, đất công đang bị lãng phí

Đóng góp ý kiến vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, đại biểu Nguyễn Thanh Sang lưu ý, có rất nhiều tài sản, đặc biệt là các bất động sản giá trị lớn, các “khu đất vàng” vẫn đang bị đóng băng do nằm trong các vụ án. Tuy nhiên, có rất nhiều vụ án đã được ra xét xử, có bản án, có hiệu lực. Việc thu hồi tài sản, đưa vào thị trường sẽ góp phần tránh được lãng phí lớn cho xã hội. Thế nhưng, theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, dường như các cơ quan có liên quan vẫn ngần ngại, không đề xuất phương án giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Sang, một số vụ việc mà 2-3 năm qua có bản án rồi nhưng vẫn án binh bất động. Án tuyên chưa rõ thì các địa phương yêu cầu Tòa án giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết. Chứ cứ để những khu đất vàng nằm đó thì rất lãng phí.

Đồng thuận với quan điểm trên và nêu thực tế tài sản công, đất công đang bị lãng phí lớn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, không chỉ tài sản công, trên thị trường có nhiều tài sản tư, nhiều ngôi nhà, tòa nhà bị bỏ hoang, "ngay chợ Bến Thành có tòa nhà khung xương để suốt".

Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần quan tâm tới chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Theo đó, các cơ quan liên quan cần tập trung tháo gỡ dù là tài sản công hay tài sản tư vì đều là nguồn lực xã hội. Nhiều dự án dở dang, chỉ cần tiếp sức 5-10% là có thể đi vào hoạt động.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

Nhấn mạnh chống lãng phí phải như chống giặc ngoại xâm, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, cần phải nhận diện đúng về sự lãng phí. Từ vấn đề đầu tư công, giải ngân vốn trung hạn đến tiết kiệm, chi tiêu ngân sách trong các lĩnh vực đang được đề cập tới, đại biểu Nguyễn Minh nêu quan điểm, phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều công trình được đầu tư trước đây nhưng vẫn chậm tiến độ, không biết thời gian về đích nên cần tăng cường kiểm tra để cùng cơ quan quản lý Nhà nước, chủ dự án tìm ra nguyên nhân, vướng mắc mà có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu quan điểm tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội

Đại biểu Đỗ Đức Hiển đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển đóng góp ý kiến tại phiên họp.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94258
Zalo