Ph.Ăng-ghen - lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản thế giới

Cách đây 204 năm, ngày 28/11/1820, Ph.Ăng-ghen - người thầy vĩ đại, vị lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản thế giới, người bạn chiến đấu gần gũi nhất của Các Mác, cùng Các Mác sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học - đã ra đời.

V.Lê-nin đã viết: Không thể hiểu rõ chủ nghĩa Mác, không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh, nếu không nghiên cứu Ăng-ghen và các tác phẩm của ông.

Ăng-ghen xuất thân trong một gia đình cha là chủ xưởng dệt, cư ngụ tại thành phố Bác-men có 18.000 dân nằm trên bờ sông Vúp-pơ thuộc tỉnh Rhein - một trong những vùng phát triển nhất về kinh tế và chính trị của nước Đức trong những năm đầu thế kỷ 19.

Ăng-ghen là con trai đầu lòng. Ông có 7 người con. Các con của Ăng-ghen đều giàu có, nối nghiệp cha làm nghề kinh doanh ngành dệt và rất sùng đạo Thiên Chúa. Chỉ có Ăng-ghen đã tách biệt với gia đình, chọn cho mình con đường độc đạo - con đường đi từ ánh lửa trái tim mình để trọn đời xả thân hy sinh, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Đúng như Êlêônôra - con gái Mác, năm 1890 đã viết về Ăng-ghen, người bạn chí thiết của cha mình, như sau: "Có lẽ chưa bao giờ trong một gia đình như vậy lại sinh ra một người con trai mà con đường đời lại trái ngược đến thế với tinh thần chung của gia đình. Trong gia đình này, chú Ăng-ghen ắt phải là "một con vịt con xấu xí”. Có thể là cho đến nay những người thân thuộc vẫn chưa hiểu được rằng chính "con vịt con" ấy lại là một con thiên nga".

Ph.Ăng-ghen (1820 - 1895)

Ph.Ăng-ghen (1820 - 1895)

Mùa hè năm 1844, trên đường đi từ Anh quốc về nước Đức, Ăng-ghen đã gặp được Các Mác trên đất Pháp. Năm ấy, Các Mác 26 tuổi. Ăng-ghen kém Mác hai tuổi. Từ đó tình bạn như keo sơn gắn bó, bắt đầu giữa hai nhà lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản.

Cũng như Các Mác, Ăng-ghen đã đem nghị lực phi thường, kiến thức uyên bác và trái tim nồng cháy của mình ra phục vụ mục đích vĩ đại là cải tạo thế giới theo con đường cách mạng. Người đã sử dụng đủ các loại phương tiện để làm lợi khí đấu tranh: Văn chính luận, thơ ca, tranh biếm họa, âm nhạc, sân khấu, triết học, sử học, chính trị, kinh tế học và xã hội học, những phát kiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên, v.v...

Những năm ở vào lứa tuổi hai mươi, Ăng-ghen đã thực sự trở thành "bóng ma ám ảnh Châu Âu". Chính vì lẽ ấy, Người đã từng bị cảnh sát của nhiều nước săn lùng, truy nã, trục xuất và bắt bớ giam cầm. Công lao lịch sử của Ăng-ghen là, trong vòng bốn thập niên kề vai sát cánh chiến đấu với Các Mác, đã cùng Các Mác thực hiện một bước ngoặt cách mạng trong các môn khoa học về xã hội, đã tạo ra một thế giới quan mới làm cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản. Một điều đặc biệt thú vị là trên cơ sở những thành tựu vĩ đại của công tác nghiên cứu khoa học, cả Các Mác và Ăng-ghen độc lập với nhau, đều đi đến kết luận về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.

Chúng ta đều biết, Ăng-ghen là nhà bác học đồng thời là một chiến sĩ, không những đã cầm bút mà còn cầm súng. Người là nhà lý luận quân sự đầu tiên của giai cấp công nhân và là nhà nghiên cứu nổi tiếng về nghệ thuật quân sự. Trong các cuộc nổi dậy của giai cấp công nhân Đức tại hai thành phố En-béc-phen-đơ và Richan-xtơ vào giữa năm 1849, Ăng-ghen đã trực tiếp tham gia 4 trận đánh lớn. Theo lời Êlêônôra, con gái Mác: "Tất cả những người nhìn thấy Ăng-ghen xông pha lửa đạn, mãi về sau này còn kể lại sự bình tĩnh đặc biệt và việc coi thường mọi hiểm nguy của Người". Lê-nin đã xem Ăng-ghen như là một chuyên gia vĩ đại về quân sự.

Lòng dũng cảm vô song và sự nhạy bén đặc biệt về sách lược, năng lực biết định hướng trong một tình thế thay đổi nhanh chóng, sự hiểu biết những đặc điểm cụ thể của tình hình trong những nước khác nhau đã đưa Ăng-ghen lên hàng ngũ những nhà cách mạng lỗi lạc nhất, đã khiến cho Ăng-ghen, bên cạnh Các Mác, trở thành một lãnh tụ được trọng vọng và ái mộ của phong trào công nhân quốc tế. Với tư cách là những người thầy và cố vấn của các đảng dân chủ - xã hội thời bấy giờ, cùng với Các Mác, Ăng-ghen đã tiến hành một cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng nhằm thống nhất phong trào công nhân quốc tế, chống lại những khuynh hướng cải lương và biệt phái. Kiên quyết vạch trần những xu hướng, âm mưu và hoạt động chia rẽ được che đậy bằng những lời lẽ mị dân của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và tả khuynh để bảo vệ sự trong sáng của thế giới quan mác-xít. Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 19, vì Các Mác phải tập trung toàn bộ thời gian để viết bộ Tư bản, nên tất cả gánh nặng của cuộc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác đều trút lên vai Ăng-ghen.

Sau khi Các Mác qua đời (năm 1883) sự cống hiến của Ăng-ghen vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa cộng sản khoa học trong những năm cuối thế kỷ 19 thật là to lớn. Trước hết, người đời mãi mãi không quên chiến công chói lọi của Ăng-ghen trong việc dốc toàn bộ tâm lực và trí tuệ vào việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng. Đó là suốt trong 12 năm ròng rã, Ăng-ghen đã tiến hành công tác biên tập và xuất bản tập II, tập III bộ Tư bản, tác phẩm chủ yếu của cuộc đời Mác - bộ sách theo lời Mác, vì nó mà trải qua 25 năm lao động gian khổ, Người đã phải "hy sinh sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống của gia đình".

Tập I bộ Tư bản được Các Mác xuất bản năm 1867, lúc Người 50 tuổi. Sau khi đưa toàn bộ bản thảo tập I đến Nhà xuất bản Hamburg để ấn hành, vào lúc 2 giờ đêm ngày 16/8/1867, Các Mác đã viết cho Ăng-ghen một bức thư tràn đầy xúc động. Mác viết: "Phrết thân mến! Tôi vừa sửa xong bản in thử tờ cuối cùng (tờ thứ 49) của cuốn sách. Phần phụ lục nói về các hình thức, giá trị, in bằng loại chữ nhỏ, chiếm ¼ tờ in. Tôi cũng đã sửa xong bản in thử và gửi đi hôm qua. Thế là xong tập này. Chỉ nhờ có bạn, tôi mới có thể thực hiện được công việc ấy. Không có sự hy sinh của bạn đối với tôi thì tôi không thể làm được toàn bộ cái công việc to lớn là chuẩn bị cho ba tập. Hôn bạn, đầy lòng cảm ơn".

Ph.Ăng-ghen và Các Mác (Tranh tư liệu)

Ph.Ăng-ghen và Các Mác (Tranh tư liệu)

Hai năm sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen đã hoàn thành việc biên tập và xuất bản tập II bộ Tư bản. Và tập III của bộ sách này được Ăng-ghen xuất bản vào năm 1894, trải qua 10 năm làm công tác biên tập và hoàn thiện bản thảo. Với kỳ tích này, Ăng-ghen đã xây dựng cho người bạn thiên tài của mình một tượng đài kỷ niệm thật là kỳ vĩ. Chính vì lẽ ấy, hậu thế đời đời tôn vinh công trình khoa học đồ sộ của bộ Tư bản được tổ chức thực hiện trong 37 năm, là kết quả của sự cộng đồng lao động sáng tạo của hai vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại và là hai nhà bác học thiên tài của giai cấp vô sản thế giới, Các Mác và Ăng-ghen.

Trong 75 năm tồn tại trên thế giới, Ăng-ghen đã sống cuộc đời vĩ đại và rực rỡ của một chiến sĩ cách mạng, của một nhà tư tưởng. Sở dĩ, Ăng-ghen có sức hấp dẫn mãnh liệt không chỉ vì trí thông minh, tài năng uyên bác - mà còn do phẩm chất cao thượng, tâm hồn trong sáng, cuộc sống bình dị khiêm tốn và đức độ giàu lòng bác ái vị tha.

Những phẩm chất cao đẹp của Ăng-ghen đặc biệt thể hiện ra trong mối quan hệ đối với Các Mác. Đúng như sự nhận xét của Lê-nin: "Giai cấp vô sản Châu Âu có thể nói rằng, khoa học của mình đã được tạo nên bởi hai nhà khoa học và chiến sĩ mà những mối quan hệ đối với nhau đã vượt xa tất cả những câu chuyện cổ tích cảm động nhất về tình bạn của con người". Nhưng sự phong phú kỳ lạ về tâm hồn và lòng cao cả của Ăng-ghen không phải chỉ thể hiện trong mối quan hệ riêng đối với Các Mác và gia đình. Ăng-ghen còn giúp đỡ một cách hào hiệp, vô tư những nhu cầu về vật chất và tinh thần của nhiều chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.

Hơn 100 năm qua, không có gì đáng ngạc nhiên khi hình ảnh vĩ đại của Ăng-ghen đã chinh phục được sự tôn vinh và lòng ngưỡng mộ của hàng tỷ người trên hành tinh này. Một trong những bản tiểu sử của Ăng-ghen được xuất bản đầu tiên là thuộc về ngòi bút thiên tài của Các Mác. Trong một bút ký ngắn viết không lâu trước khi qua đời, Các Mác đã đánh giá Ăng-ghen là một trong những đại biểu kiệt xuất nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại. Mác rất nể trọng kiến thức bách khoa của Ăng-ghen, trí nhớ kỳ diệu và những sự ham thích tinh thần về nhiều mặt của Ăng-ghen.

"Uống nước nhớ nguồn", chúng ta đời đời nhớ ơn Ăng-ghen, nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng do Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin đã vạch ra, như Đảng ta đã từng chỉ rõ.

Cách đây hơn 110 năm lúc bôn ba đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ thời trẻ đã đến nước Anh - nơi lúc sinh thời, Các Mác, Ăng-ghen đã viết bộ Tư bản và khai sáng ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Những tháng năm hoạt động trên đất Pháp, Bác đã dẫn lối đưa đường cho nhân dân ta đến với chủ nghĩa Mác. Báo Người cùng khổ do Nguyễn Ái Quốc ấn hành tại Paris tháng 9/1923 đã kêu gọi đồng bào ta hãy "nghiên cứu sách vở của Các Mác, Ăng-ghen", hãy "thực hiện học thuyết Mác" và chỉ rõ rằng: "Chỉ có trong chủ nghĩa cộng sản thì chúng ta mới tìm được sự nghiệp giải phóng".

Ba năm sau đó, toàn văn quyển Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác - Ăng-ghen đã được đăng trên báo Chuông rè của Nguyễn An Ninh tại thành phố Sài Gòn, trong tháng 3 và tháng 4 năm 1926. Nhớ đến Ăng-ghen, chúng ta không thể nào quên trước các lý luận nổi tiếng của Người - quyển Chống Đuy-rinh. Đây là một trong những quyển sách lý luận kinh điển mác-xít gối đầu giường của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trải qua những thời kỳ lên thác xuống ghềnh của lịch sử.

Chúng ta đều biết, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã quán triệt vận dụng quy luật bạo lực cách mạng của Ăng-ghen để khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám đã thể hiện sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, giữa chuẩn bị lâu dài về lực lượng chính trị và quân sự với mau lẹ chớp lấy thời cơ, phát động quần chúng vùng dậy đánh đổ chính quyền của bọn thực dân Pháp.

Cách mạng miền Nam trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là sự phát triển cao độ kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp. Đảng ta đã từng chỉ rõ: Khởi nghĩa từng phần, đấu tranh quân sự và chính trị song song, tiến hành đánh địch bằng ba mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận, kết hợp khởi nghĩa quần chúng với chiến tranh cách mạng, đánh địch cả trên 3 vùng chiến lược. Đó là những nét đặc sắc nhất của phương pháp cách mạng miền Nam, do Đảng ta đã vận dụng sáng tạo lý luận về bạo lực cách mạng của Ăng-ghen, của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

TRẦN HỮU PHƯỚC (nguyên Trưởng Đoàn chuyên gia Việt Nam hiệu đính bản dịch để xuất bản bộ sách V.Lê-nin toàn tập bằng tiếng Việt ở Mát-xcơ-va. Nghiên cứu sinh lịch sử triết học tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/phang-ghen-lanh-tu-kiet-xuat-cua-giai-cap-vo-san-the-gioi_170586.html
Zalo