PGS.TS Trần Thành Nam: Thông tư 29 loại bỏ tiêu cực trong chuyện dạy thêm
Theo chuyên gia giáo dục, tinh thần của Thông tư 29 là đúng đắn, nhân văn, cởi mở, loại trừ được những tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm.
Theo Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm, giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy chính khóa trên trường.
Hiện, nhiều thầy cô và nhà trường đã có thông báo về việc ngừng dạy thêm. Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh, nhất là những học sinh cuối cấp, cảm thấy lo lắng, hoang mang.
Để hiểu rõ hơn về những quy định mới tại Thông tư 29, cũng như cách giúp các em học sinh cảm thấy yên tâm hơn trong giai đoạn "nước rút" ôn thi, PLO đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chương trình học đã đổi mới
. Phóng viên: Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 14-2. Ông đánh giá như thế nào về tác động của thông tư này đến nhà trường và học sinh tại thời điểm hiện nay?
+ PGS.TS Trần Thành Nam: Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực trong những ngày tới có thể khiến nhiều gia đình, học sinh hoang mang.
Tuy nhiên, khi ban hành Thông tư 29, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ tinh thần, quan điểm của các quy định mới. Trong đó khẳng định việc bổ sung kiến thức cho học sinh chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng học sinh giỏi và bồi dưỡng học sinh thi cuối cấp là trách nhiệm của nhà trường và thầy cô, cần được đảm bảo.
Nhà trường và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm huy động các nguồn lực để việc thực hiện hoạt động bổ sung kiến thức này, và không thu tiền từ học sinh.
Nhà trường và thầy cô cần có trách nhiệm với nghề và với chất lượng dạy học của trường mình. Nếu thấy học sinh chưa đủ tự tin, cần bổ sung kiến thức thì có thể tổ chức phụ đạo thêm kiến thức cho các em.
Dù sao thì trong giai đoạn đầu thực hiện các quy định của Thông tư 29, khi chưa có nhiều hướng dẫn, có thể dẫn đến khó khăn, khó làm quen. Nhưng nếu bây giờ không thay đổi thì có lẽ chẳng bao giờ thay đổi được.
![PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_114_51445335/99f5b2cc86826fdc3693.jpg)
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
. Có ý kiến cho rằng Thông tư 29 đang siết chặt công tác dạy thêm, học thêm. Quan điểm của ông thế nào?
+ Trước hết, cần nhấn mạnh rằng tinh thần của Thông tư 29 là đúng đắn, nhân văn, cởi mở, hướng đến việc quản lý nhu cầu dạy thêm, học thêm chính đáng và loại trừ được những tiêu cực trong vấn đề này.
Bộ GD&ĐT cũng đã nhấn mạnh rằng Thông tư 29 chỉ cấm các hoạt động dạy thêm không đúng quy định như ép buộc, gợi ý để học sinh tham gia học thêm, không được dạy thêm tại nhà đối với học sinh mà mình đã dạy trên trường; chứ không cấm những nhu cầu học thêm, dạy thêm chính đáng.
Năm nay là năm đầu thực hiện các quy định của Thông tư 29. Mỗi giáo viên cần có sự tự trọng về nghề nghiệp, không nên nghĩ rằng "nếu bổ sung kiến thức cho học sinh là trách nhiệm của tôi, tôi phải dạy và không có tiền thì tôi không dạy nữa", bởi điều này không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức của người làm nghề.
Tôi cũng biết có những ý kiến cho rằng do chương trình học hiện nay của học sinh quá nặng, thời gian học chính khóa trên lớp không đủ để dạy hết kiến thức, do đó không thể không học thêm. Theo tôi, không nên nhìn nhận vấn đề như vậy.
Thay vào đó, cần nhìn nhận rằng chương trình học đã đổi mới, nhưng nhiều nhà giáo chưa thay đổi kịp về triết lý, tư tưởng, phương pháp để dạy học theo hướng phát triển năng lực, mà vẫn áp dụng nguyên si phương pháp của 20 năm trước.
Dù đã chuyển sang dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, nhiều thầy cô vẫn đang dạy theo hướng tiếp cận nội dung, do đó không thể học hết được.
Nếu các thầy cô dạy theo hướng tiếp cận năng lực, thì sẽ không cần thiết phải dạy quá nhiều nội dung trên lớp. Trong thời gian sắp tới, tôi nghĩ có thể sẽ cần tiếp tục giảm tải chương trình học đối với các cấp học nhỏ và tăng khả năng tự học đối với các cấp học lớn hơn.
Khẳng định thương hiệu qua chất lượng dạy học chính khóa
. Để thực hiện tốt Thông tư 29 trong giai đoạn hiện nay, theo ông, cần lưu ý những gì?
+ Đây là vấn đề cần sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bên.
Trước hết, giáo viên cần dạy hết lòng, không bớt xén kiến thức quan trọng trên lớp chính khóa để dạy ở lớp học thêm; cần kêu gọi, khuyến khích tinh thần của các nhà giáo chân chính, làm sao bằng mọi cách để giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức trong giai đoạn nước rút, và không thu tiền.
Lãnh đạo nhà trường và các cơ quan chức năng liên quan của địa phương có trách nhiệm bố trí, huy động nguồn lực để có hỗ trợ cho giáo viên khi tham gia công tác giảng dạy này.
Nếu phụ huynh và học sinh chưa yên tâm với những kiến thức và thời lượng học được ở lớp chính khóa, thì nhà trường và giáo viên có trách nhiệm phải làm cho phụ huynh yên tâm hơn.
Không dạy thêm, học thêm có thể đưa trở về bản chất thực của công tác giáo dục, tức là ai dạy giỏi, ai dạy chưa giỏi sẽ rõ ngay. Nhà trường và giáo viên cần xác định thương hiệu của mình qua chất lượng dạy học chính khóa, thay vì tỉ lệ thi đỗ, điểm cao nhờ đi học thêm.
Nhà trường và giáo viên cần khẳng định thương hiệu của mình qua chất lượng dạy học chính khóa, thay vì tỉ lệ thi đỗ, điểm cao nhờ đi học thêm.
Tiếp đó, công tác thi cử, kiểm tra, đánh giá cũng cần thực sự đổi mới, không được tạo đặc quyền, không thể đánh đố theo kiểu “học sinh không đi học thêm thì không thể biết".
Cùng với đó, phụ huynh và học sinh cũng cần xác định rằng việc điểm cao không phải là yếu tố quyết định, đánh giá năng lực; không được chạy đua theo thành tích. Các gia đình không nên ép con học quá tải.
Tóm lại, sự nhận thức của cộng đồng, gia đình về vấn đề dạy - học thêm cần phải thông suốt. Mỗi người cần nâng cao hơn trách nhiệm của chính mình.
![Theo PGS Trần Thành Nam, Thông tư 29 là đúng đắn, nhân văn, cởi mở. Ảnh minh họa: TT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_114_51445335/31ae059731d9d88781c8.jpg)
Theo PGS Trần Thành Nam, Thông tư 29 là đúng đắn, nhân văn, cởi mở. Ảnh minh họa: TT
. Trong chặng nước rút ôn thi cho các kỳ thi tốt nghiệp hiện nay, không ít học sinh cảm thấy lo lắng, loay hoay khi thầy cô ngừng dạy thêm theo quy định tại Thông tư 29. Ông có lời khuyên nào cho các em?
+ Trong bối cảnh hiện tại, phụ huynh và học sinh cần học cách kiểm soát những hoang mang, lo lắng của mình. Những sự thay đổi, các quy định mới đang hướng đến điều tốt hơn, mặc dù trong giai đoạn này đúng là có thể tạo ra tâm lý bất ổn kiểu "trở tay không kịp".
Về góc độ tâm lý, những học sinh đang hoang mang, không biết có nên đi học ở trung tâm hay tìm thầy cô khác để tiếp tục học thêm, cần tin tưởng và tự nhủ rằng "mình làm được, mình có khả năng tự học, những kiến thức cơ bản nhất của kỳ thi đều nằm trong sách giáo khoa".
Cấu trúc đề thi đã được công bố, khối lượng kiến thức của lớp 11, lớp 12 chiếm bao nhiêu % cũng đã có, những kiến thức đó không xa lạ.
Kẻ thù lớn nhất khiến một người gặp thất bại, không phát huy được hết năng lực của mình chính là nỗi sợ. Nhiều học sinh sợ thi trượt, sợ xấu hổ, không làm tròn trách nhiệm... Khi có nỗi sợ trong đầu, năng lực, sự tập trung của các em bị tiêu hao, không thể ôn tập tốt nhất cho kỳ thi.
Còn đối với những học sinh thực sự cảm thấy bản thân không tự tin, bị hổng kiến thức cơ bản, học lệch… thì cần thẳng thắn chia sẻ với gia đình, để cùng tìm giải pháp, tìm đến các trung tâm để học thêm, bổ sung kiến thức.
"Không học thêm, em không theo kịp chương trình"
Cao Trà My, học sinh lớp 12 trường ở Mỹ Hào, Hưng Yên cho biết hiện mỗi tuần vẫn đang đi học thêm 5 buổi ngoài trường.
“Đi học nhiều nên cũng mệt, nhưng lớp 12 chương trình học quá nặng, không học thêm thì sẽ thụt lùi, không theo được nên em phải cố. Không học thêm thì em sẽ không theo kịp chương trình” - My chia sẻ.
Sắp tới, khi thầy cô và nhà trường ngừng dạy thêm theo quy định tại Thông tư 29, Trà My cho biết khá lo lắng vì quá trình ôn tập của em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. “Ở lớp học thêm, chúng em được học trước các kiến thức, nên trên lớp chỉ là ôn lại kỹ hơn thôi. Học thêm giúp em tiến bộ nhiều, gần như quyết định tất cả” - Trà My bộc bạch.
Cùng tâm trạng lo lắng của học sinh cuối cấp, em gái của Trà My là Hà Thư, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Hữu Trác (Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng tỏ ra hoang mang nếu sắp tới thầy cô và nhà trường đều ngừng dạy thêm.
Hiện, Thư vẫn học thêm ở trường vào tất cả các buổi chiều trong tuần. 5 buổi tối là thời gian em dành để học thêm 3 môn Toán, Lý và tiếng Anh.
“Lớp học thêm bên ngoài có khoảng 10-20 học sinh, tùy môn. Tại đây, các thầy cô thường ôn tập lại kiến thức đã học trên lớp để chúng em nắm chắc hơn, cùng với đó là mở rộng thêm một số kiến thức khác” - Thư nói.
Hà Thư tự đánh giá quá trình học thêm giúp em tiến bộ hơn nhiều, nếu không học, chắc sẽ rất loay hoay, chênh vênh vì không biết tìm tài liệu, các dạng đề ở đâu.
Anh Cao Mạnh Hoạch, phụ huynh của 2 học sinh trên, cho biết năm nay cả 2 con gái đều là học sinh cuối cấp, nhìn các con đi học kín tuần, cả các buổi tối, anh cũng thấy thương.
Tuy nhiên, vì các con tự học không tốt, năm nay lại là năm đầu thi cử theo chương trình mới, ở quê cũng có ít lựa chọn về việc học thêm tại trung tâm nên anh vẫn mong các con tiếp tục được học với thầy cô của mình.
“Hơn nữa, học phí ở các trung tâm cũng khá cao, cùng lúc lo cho 2 con đi học thêm ở trung tâm cũng là vấn đề với gia đình tôi” - anh Hoạch chia sẻ.