Siết dạy thêm, học thêm: Sinh viên, giáo viên trông chờ hướng dẫn

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2 tới. Tuy nhiên, nhiều sinh viên, giáo viên đang đi làm gia sư chưa biết thực hiện thế nào cho đúng.

Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2 tới đây có đối tượng áp dụng bao gồm: người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Như vậy, Thông tư 29 không chỉ điều chỉnh hoạt động dạy thêm của giáo viên. Tất cả tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm, tổ chức dạy thêm đều chịu điều chỉnh của Thông tư này. Gia sư là một hoạt động dạy thêm nên gia sư sinh viên sẽ được xem là người dạy thêm.

Sinh viên lúng túng?

Nguyễn Thắng - sinh viên năm thứ nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội - làm gia sư môn Toán và tiếng Anh mới được 2 tháng qua hiện có 3 học sinh, gồm 1 học sinh tiểu học và 1 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 9.

"Em có đọc qua và biết quy định dạy thêm, học thêm áp dụng cả với đối tượng sinh viên đi dạy thêm. Tuy nhiên, em không nghĩ cá nhân sinh viên dạy thêm lại phải đăng ký kinh doanh. Chắc quy định này dành cho giáo viên thì hợp lý hơn", Thắng nói.

Tương tự, Minh Châu - sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng không biết rõ về quy định dạy thêm, học thêm mới có hiệu lực từ ngày 14/2.

"Em cũng nghe nhắc đến quy định này khi đọc báo nhưng em không nghĩ mình liên quan. Những sinh viên đi dạy gia sư như em được gia đình trực tiếp liên hệ và thuê kèm cặp con em họ học hành chứ không tổ chức dạy thêm. Hiện em đang dạy một học sinh lớp 1 ở các môn là Toán, tiếng Anh, Khoa học (bằng tiếng Anh) và tiếng Việt", Châu chia sẻ.

Thùy Linh, sinh viên năm cuối trường ĐH Hà Nội cho hay hằng ngày em có đọc báo mạng và có lướt qua các clip về chuyện dạy thêm, học thêm trên TikTok mà không quá bận tâm tới nội dung. "Em biết có quy định mới về dạy thêm, học thêm vì mẹ cũng là giáo viên. Nhưng em nghĩ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh viên dạy thêm tiếng Anh như em”- Linh nói.

Linh cho biết, trong hơn ba năm qua, gia sư là công việc kiếm tiền để em chi tiêu thêm tiền ăn, tiền thuê nhà giúp bố mẹ. Linh chủ yếu nhận kèm học sinh lớp 10 ở môn tiếng Anh. Ngoài ra, cuối tuần, Linh nhận dạy thêm 2 lớp cho các học sinh lớp 6,7 ở quê. Em nhận dạy thêm học sinh do người thân, bạn bè giới thiệu.

"Em học ngành ngôn ngữ Anh. Việc đi làm thêm vừa để lấy kinh nghiệm cho ra trường sau này vừa để kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Nếu không được làm thêm bằng nghề gia sư, em không biết sẽ xoay sở sinh hoạt phí như thế nào vì bố mẹ em ở quê cũng vất vả vì có hai em đang đi học. Em dạy 4 buổi/tuần, 180.000 đồng/buổi, một tháng gần 3 triệu, vừa đủ chi trả tiền trọ và ăn uống", Linh chia sẻ.

Hiện tại, thay vì đến dạy trực tiếp, Linh chuyển sang dạy học sinh theo hình thức online đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Còn Huyền My, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội nói đọc Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2 tới đây.

“Trường hợp của em dạy thêm môn tiếng Pháp cho học sinh, nếu cha mẹ thuê gia sư là sinh viên kèm con học tại nhà theo chương trình chính khóa trên lớp mà con họ đang học tiểu học thì có được xem là dạy thêm hay không và có bị cấm hay không?”- My băn khoăn.

Trả lời báo chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, tất cả các tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Vậy sinh viên đi làm gia sư có phải đăng ký kinh doanh hay không?

Tuy nhiên, hiện tại chưa có hướng dẫn chi tiết từ Bộ GD&ĐT và các địa phương dù thời hạn thông tư có hiệu lực chỉ còn vài ngày nữa.

Sinh viên, giáo viên mong sớm có hướng dẫn cụ thể

Thực tế, nhiều giáo viên dạy thêm ở nhà hay ở ngoài trung tâm cũng chưa nắm được Thông tư 29 có cấm học sinh tiểu học học thêm tiếng Anh hay không.

Một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội bày tỏ, ngay khi có thông tin về quy định mới này, cô đã cho học sinh nghỉ học từ đó đến thời điểm này.

Vì theo giáo viên này, bản thân cô và nhiều giáo viên khác băn khoăn, việc dạy cho đối tượng học sinh tiểu học có vi phạm quy định dạy thêm, học thêm hay không. Nếu được dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học, giáo viên được dạy gì và không được dạy gì?

“Hiện tại để chắc chắn, chúng tôi vẫn cho học sinh học cho qua thời điểm ngày 14/2 tới. Chúng tôi mong sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện cho đúng”- giáo viên này cho hay.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29 quy định về dạy thêm, học thêm với các quan điểm và nguyên tắc.

Theo đó, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nêu các giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả như: ban hành Thông tư, các quy định cụ thể; giải pháp nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên; trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/siet-day-them-hoc-them-sinh-vien-giao-vien-trong-cho-huong-dan-post1716023.tpo
Zalo