PGS.TS Trần Thành Nam: Ngành Giáo dục không thể 'đơn độc' trong cải cách
Miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa, dạy học hai buổi/ngày... đều là những chính sách đầy tính nhân văn và hướng tới một nền giáo dục toàn diện. Phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam - VOV.VN - đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Thành Nam xung quanh vấn đề này.
Chính sách tốt cần cơ chế thực thi đồng bộ để tránh “làm cho có”
PV: Thưa PGS.TS Trần Thành Nam, ông có nhìn nhận thế nào về những chủ trương lớn của giáo dục trong thời gần đây như: miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa , học 2 buổi/ngày...?
PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng, gần đây Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo một số chủ trương lớn như: miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, tuyển đủ giáo viên học 2 buổi/ngày... là những quyết định mang tính tiên phong, rất nhân văn và đầy ý nghĩa thực tiễn. Đây là chính sách khiến rất nhiều người dân cảm thấy được động viên, khích lệ, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến các gia đình, đặc biệt là những hộ còn nhiều khó khăn. Mặc dù chỉ là một chính sách về hỗ trợ tài chính, nhưng nó góp phần giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho phụ huynh.
Chính sách miễn giảm học phí hay hỗ trợ bữa ăn trưa nếu được triển khai tốt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, sẽ giúp tăng tỷ lệ học sinh đến lớp, giảm tình trạng bỏ học vì khó khăn kinh tế. Qua đó, chúng ta có thể tiến tới thu hẹp khoảng cách về cơ hội học tập và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền - một bước đi hướng tới công bằng trong giáo dục. Không để các em học sinh phải chịu thiệt thòi chỉ vì xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn. Đây là sự đầu tư đúng đắn vào tương lai, vào con người – một nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước.
PV: Đâu là điểm then chốt để triển khai thành công các chính sách giáo dục mới hiện nay, đặc biệt là các chính sách liên quan đến bán trú và bữa ăn học đường thưa PGS?
PGS.TS Trần Thành Nam: Điều cần quan tâm nhất hiện nay là nguồn lực tài chính. Nhiều địa phương còn rất khó khăn, nếu ngân sách phân bổ không đảm bảo, thì việc thực hiện các chủ trương lớn như vậy sẽ gặp nhiều trở ngại. Miễn học phí và tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh không thể là một giải pháp ngắn hạn, mà phải có tính lâu dài và bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, việc đảm bảo nguồn lực để duy trì chính sách này là vấn đề cấp thiết.
Do đó, chúng ta cần có một cơ chế phân bổ nguồn lực rõ ràng, minh bạch và linh hoạt. Chính phủ nên xây dựng một hệ thống giám sát tài chính chặt chẽ, kịp thời đánh giá tình hình triển khai thực tế, tránh tình trạng “nửa vời” hoặc chỉ làm theo phong trào.
PV: Ông có đề xuất cụ thể nào để việc triển khai dạy 2 buổi/ngày trở nên khả thi và công bằng hơn cho giáo viên?
PGS.TS Trần Thành Nam: Nếu thực hiện học 2 buổi/ngày mà không thu tiền của học sinh thì phải có chế độ thù lao phù hợp cho giáo viên. Hiện nay, nhiều giáo viên đang phải dạy cả ngày mà không có phụ cấp tương xứng. Nếu không xử lý được bài toán này, sẽ dễ xảy ra tình trạng “làm cho có”, thiếu nhiệt huyết, hoặc giáo viên phải làm thêm các công việc không liên quan đến chuyên môn - điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục.
Khi nào Luật Nhà giáo được ban hành, vị thế, quyền lợi và mức lương của giáo viên được đảm bảo, thì lúc đó các chính sách cải cách giáo dục mới thực sự đi vào thực tế. Đây là một vấn đề cần được nhìn nhận song song với việc triển khai các chính sách mới.
PV: Theo ông, sự phối hợp liên ngành giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cần cụ thể hóa như thế nào để giải quyết bài toán ngân sách, nhân sự và phân cấp quản lý?
PGS.TS Trần Thành Nam: Đây là điểm then chốt. Bộ GD-ĐT không thể đơn độc trong việc triển khai những chính sách này mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ – đặc biệt là giữa Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ – để giải quyết đồng bộ bài toán về ngân sách, nhân sự và cơ chế phân cấp. Đồng thời, cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho ngành giáo dục, đặc biệt trong việc quyết định chi tiêu và sử dụng nguồn lực phù hợp với đặc thù từng địa phương. Nghịch lý, hiện nay ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng nhưng không có toàn quyền quyết định về tài chính cũng như nhân sự. Điều này làm hạn chế hiệu quả trong việc triển khai các chính sách mới.
Về việc tổ chức bữa ăn trưa ở trường học sẽ kéo theo nhu cầu tăng thêm vị trí việc làm, ví dụ như nhân viên nấu ăn, hỗ trợ bán trú. Trong bối cảnh đang thực hiện tinh giản biên chế, nếu không có kế hoạch cụ thể, thì chính sách mới dễ bị “chệch đường ray”. Ngành giáo dục cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nhân lực và cả khung pháp lý cho các vị trí công việc mới phát sinh từ chính sách.

Sự đầu tư đúng đắn vào tương lai, vào con người – một nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước.
Ba trụ cột để hướng tới một nền giáo dục toàn diện
PV: Theo PGS để hiện thực hóa một hệ thống giáo dục toàn diện thì đâu là vấn đề “then chốt”?
PGS.TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng, mọi chính sách giáo dục đều rất nhân văn nhưng hiện nay chúng ta như đang ở giữa một “đại công trường”, nơi có rất nhiều mảnh ghép đang chuyển động nhưng chưa khớp với nhau. Vì thế, đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện – từ cách tiếp cận chương trình học, mục tiêu giáo dục, đến vai trò của nhà trường trong thời đại công nghệ.
Để hướng tới một hệ thống giáo dục toàn diện cần có ba trụ cột để khớp nối các mảnh ghép giáo dục: Một là, hệ thống pháp lý vững chắc sẽ bảo đảm chính sách có cơ sở thực thi lâu dài, không mang tính thử nghiệm hay dễ thay đổi theo nhiệm kỳ. Hai là, giám sát minh bạch là để đảm bảo từng đồng ngân sách đến đúng nơi, đúng việc, không bị thất thoát hay làm sai lệch mục tiêu ban đầu. Ba là, cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả nghĩa là không thể để Bộ Giáo dục “đơn phương độc mã” mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và cả các địa phương. Nhưng để những mảnh ghép đó tạo thành một bức tranh đồng bộ, điều kiện tiên quyết là đổi mới toàn diện từ tư duy chính sách đến khâu tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tận dụng công nghệ số để theo dõi tiến độ, công khai tài chính đảm bảo không có kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Chỉ khi những yếu tố trên được vận hành một cách đồng bộ, minh bạch và thực chất thì giáo dục Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững và công bằng cho mọi học sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!