Địa bàn rộng hơn khi sáp nhập tỉnh, xã thì quản lý dạy thêm, học thêm thế nào?

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cho phép thu phí học thêm dạy thêm trong trường học, đồng thời bày tỏ băn khoăn về cách thức quản lý vấn đề này sau sáp nhập tỉnh, xã…

Quốc hội sáng nay tổ chức thảo luận tại tổ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy…

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nhận định đang tồn tại một số bất cập, trong đó có việc giám sát, quản lý các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Theo bà Hà, ở một góc độ nào đó, sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm là tất yếu, nhất là khi nhu cầu của học sinh và phụ huynh còn cao.

“Thực tế, nhu cầu học thêm chưa giảm hoặc giảm rất ít, bởi phụ huynh lo ngại các hoạt động của con em khi không ai quản lý, không có người lớn ở nhà” - bà Hà nêu thực tiễn.

Tuy nhiên, theo bà Hà, chất lượng đào tạo ra sao, cách quản lý tại các trung tâm, điều kiện dạy và học có đúng theo quy định hay không là một điều đáng bàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh). Ảnh: Quốc hội

Nữ đại biểu nêu thực trạng dù Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải được cấp phép, công khai thông tin và tuân thủ quy định về thời gian, nội dung giảng dạy nhưng việc triển khai ở địa phương hiện vẫn thiếu đồng bộ, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều trung tâm dạy thêm.

Vấn đề nhân sự, đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề mà đại biểu này lo ngại, do không phải trung tâm nào cũng có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn hoặc kinh nghiệm sư phạm.

Đề xuất cho thu phí dạy thêm học thêm trong trường

Theo Thông tư 29, việc dạy thêm học thêm trong nhà trường không được thu tiền, chỉ dành cho học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học cụ thể.

Đại biểu Hà cho biết bên cạnh một số ý kiến ủng hộ thì vẫn có phụ huynh lo lắng, cho rằng việc không được học thêm trong trường khiến con họ không được hỗ trợ kịp thời, ảnh hưởng đến kết quả học tập.

“Nhiều người lo ngại vì gặp khó khăn khi quản lý con em lúc ở nhà, bởi dễ dẫn đến việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức hoặc tham gia những hoạt động không lành mạnh trong thời gian rảnh rỗi” - bà Hà nói.

Trong khi đó, việc chuyển sang học thêm ở các trung tâm bên ngoài nhà trường làm tăng chi phí học tập, gây bất tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón con.

“Tôi cho rằng, khi nhu cầu vẫn tồn tại mà không cho phép, có thể dẫn đến tình trạng khác như dạy chui, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro về nội dung, địa điểm cũng như an ninh” - đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

Nhận định vấn đề dạy thêm, học thêm là nhu cầu thiết thực của người dân, đại biểu Thái Thu Xương (Quảng Trị) cho rằng vai trò quản lý nhà nước cần được thể hiện trong việc bố trí hợp lý để có người dạy và người học, đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh.

“Việc không quản lý được mà dẫn đến cấm đoán cho thấy sự yếu kém trong quản lý” - đại biểu Xương nhận xét.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu Quảng Trị bày tỏ băn khoăn rằng tới đây không còn đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện (Phòng Giáo dục cấp huyện), trong khi sáp nhập tỉnh thành dẫn đến địa bàn rộng hơn, thì việc kiểm tra, quản lý học thêm, dạy thêm sẽ được thực hiện như thế nào theo Thông tư 29?

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dia-ban-rong-hon-khi-sap-nhap-tinh-xa-thi-quan-ly-day-them-hoc-them-the-nao-2404084.html
Zalo