Người thầy với khát vọng 'mở trường, mở tương lai đất nước'
Từ trăn trở 'cứ 10 em, chỉ 1-3 em đậu đại học', PGS.TS Cao Minh Thì cùng cộng sự đã khởi xướng hành trình đầy gian khó để kiến tạo nên HUTECH.

Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Cao Minh Thì.
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Cao Minh Thì (88 tuổi) - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM là người đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), đồng thời có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công nghệ nano.
Tròn 30 năm gắn bó và cống hiến cho HUTECH là ba mươi mùa xuân rực rỡ, đánh dấu một hành trình đầy gian nan nhưng cũng gặt hái vô vàn thành tựu, khẳng định vị thế của một nhà giáo, nhà khoa học tận tâm và một nhà lãnh đạo tài ba.
Gieo hạt tri thức thời khó khăn
Những năm tháng sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, bên cạnh niềm vui hòa bình là những thách thức to lớn trong công cuộc tái thiết và phát triển đất nước.
PGS.TS Cao Minh Thì khẳng định, giáo dục – hơn bao giờ hết – được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực tế lúc bấy giờ cho thấy hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc cao, còn nhiều hạn chế. Số lượng trường đại học ít ỏi, cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông còn rất thấp.

NGƯT.PGS.TS Cao Minh Thì nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Cao Minh Thì - với sự nhạy bén của một nhà giáo dục tâm huyết, sớm nhận ra những đòi hỏi cấp thiết của xã hội.
Từ những trăn trở về tương lai của thế hệ trẻ, về câu hỏi "cứ 10 em thì chỉ khoảng 1 - 3 em đậu vào đại học, số còn lại sẽ đi về đâu?", thầy Thì nung nấu ý tưởng thành lập một trường đại học mới – một môi trường giáo dục tiên tiến, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của xã hội.
Khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục vào những năm 1990, đây chính là cơ hội vàng để thầy Cao Minh Thì cùng những người đồng chí hướng hiện thực hóa khát vọng “mở trường, mở tương lai đất nước”.
Suốt những năm 1992–1993, thầy và các cộng sự đã dày công bàn bạc, lên kế hoạch chi tiết và liên hệ với các lãnh đạo cấp cao để xin phép thành lập trường.
Nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã được đền đáp khi, ngày 26/4/1995, Trường Đại học Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (nay là Trường Đại học Công nghệ TPHCM - HUTECH) chính thức được cấp phép hoạt động, mở ra cánh cửa tri thức cho hàng ngàn sinh viên.

NGƯT.PGS.TS Cao Minh Thì cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên HUTECH.
Tuy nhiên, hành trình xây dựng một ngôi trường đại học từ những ngày đầu không hề bằng phẳng. Thiếu thốn cơ sở vật chất, khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giảng viên, áp lực về tài chính... là những thử thách không nhỏ mà thầy Thì và tập thể lãnh đạo nhà trường phải đối mặt.
“Nhưng với tâm niệm "bất cứ điều gì thuộc về giáo dục đều hệ trọng, vì đó là cả tương lai của một đất nước", tôi và các cộng sự đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn, đồng tâm hiệp lực, từng bước xây dựng HUTECH trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín”, thầy Thì chia sẻ.
"Học cách học, học để làm, học để sáng tạo, học để tự lập và học để cùng phát triển" là triết lý giáo dục mà thầy Thì kiên định theo đuổi, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động tại HUTECH.
Dù mục tiêu ban đầu là tạo cơ hội học tập cho những học sinh không đậu vào các trường công lập, nhưng chất lượng đào tạo luôn được đặt lên hàng đầu. Thầy Thì mong muốn rằng, sau bốn năm miệt mài trên giảng đường, sinh viên HUTECH sẽ trở thành những cử nhân, kỹ sư giỏi, tự tin đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Dù đã bước vào tuổi cao niên và trao lại công tác quản lý cho thế hệ lãnh đạo kế cận từ năm 2010, ngọn lửa nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học trong thầy vẫn luôn cháy rực. Thầy Thì không chọn điểm dừng, mà chuyển hướng tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học – một lĩnh vực mà thầy luôn ấp ủ và coi trọng.
Khát vọng khoa học từ phòng thí nghiệm nano
Với tầm nhìn chiến lược, PGS.TS Cao Minh Thì định hướng HUTECH không chỉ là một trung tâm đào tạo, mà còn phải là một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Phòng thí nghiệm Nano (CM Thi Lab) ra đời chính là hiện thực hóa khát vọng đó.
“Đây là nơi thầy tập trung nghiên cứu, bồi dưỡng các thế hệ nghiên cứu viên trẻ có cùng đam mê với công nghệ nano – một lĩnh vực mà thầy tin rằng sẽ là tương lai của khoa học trong những thập kỷ tới. Cùng với các cộng sự và học trò, tôi đã phát triển những giải pháp mới, những sáng chế tiềm năng phục vụ xã hội và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước,” thầy Thì nói.
CM Thi Lab đã trở thành một môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến, thu hút đông đảo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia.
Nhiều kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế, khẳng định năng lực nghiên cứu và đóng góp của HUTECH vào sự phát triển khoa học – công nghệ của Việt Nam.
Không chỉ là một nhà khoa học uyên bác, thầy Thì còn là một tác giả với nhiều công trình nghiên cứu và sách chuyên khảo giá trị, góp phần phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ tiên tiến đến với cộng đồng.

Không chỉ là một nhà khoa học uyên bác, thầy Thì còn là một tác giả có nhiều công trình nghiên cứu.
Các tác phẩm như "Đường dẫn đến nano bé nhỏ", "Khoa học và ứng dụng công nghệ nano" và "Lý thuyết tương đối và điện động lực học" đã truyền cảm hứng, mở ra chân trời tri thức cho nhiều thế hệ sinh viên và những người yêu khoa học.
Thầy Thì là một tấm gương sáng về tâm huyết, trí tuệ và tình yêu nghề. Sự tận tâm và tầm nhìn xa trông rộng của thầy đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ sinh viên và giảng viên.
Thầy luôn đề cao tinh thần đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, khuyến khích phương pháp giảng dạy gắn liền với thực tiễn, nhằm đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Học bổng Cao Minh Thì - một quỹ học bổng thường niên do thầy sáng lập, là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của thầy đối với thế hệ trẻ và sự nghiệp phát triển nhân tài của đất nước.
Quỹ học bổng không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, khích lệ các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trên địa bàn TPHCM theo đuổi đam mê học tập và nghiên cứu khoa học.
Năm 2015, PGS.TS Cao Minh Thì nhận Bằng khen và Cúp "Trí thức Khoa học & Công nghệ tiêu biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam".
Trước đó, ông nhận được Bằng khen của Thủ tướng về nghiên cứu khoa học (2011), được công nhận là hội viên trí thức Hội Hóa học Mỹ (2014) và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quá trình 20 năm nghiên cứu và đào tạo (2015).