PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Cần luật chống bạo hành nhân viên y tế để họ yên tâm làm nghề

Ngành Y tế Việt Nam xứng đáng có một điều luật bảo vệ, để nhân viên y tế yên tâm làm nghề, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề xuất.

Tôi không phê phán gia đình bệnh nhân. Ở vào địa vị phụ huynh của gia đình cháu, chắc chắn ai cũng mất bình tĩnh vào những phút giây sinh tử như vậy. Chỉ tiếc giá như có hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp, cách ly sớm thân nhân khỏi khu vực cấp cứu và có những điều luật đủ mạnh để kìm hãm những cái đầu đang bốc hỏa... chắc chắn chính người mẹ ấy sẽ ôm lấy các y bác sĩ đã cứu sống con mình và cái kết sẽ là một câu chuyện thật cảm động, đầy tính nhân văn.

Chúng ta đang hướng đến một nhà nước pháp quyền, xin được phép nhắc lại định nghĩa này.

Nhà nước pháp quyền theo quan điểm của các nhà tư tưởng trong lịch sử nhân loại là Nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội, trong đó pháp luật phải phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của nhân dân; thực hiện và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân; chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình và yêu cầu công dân thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Tiến Tuấn)

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: Tiến Tuấn)

Vì vậy, để không xảy ra những hoàn cảnh thương tâm như sự việc ở Trung tâm y tế Thanh Ba (Phú Thọ), cần thiết củng cố hành lang pháp lý mà cụ thể ở đây là đạo luật chống bạo hành y tế.

Tuy luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã có những điều khoản răn đe nhưng trong thực tế chưa phát huy được tác dụng. Cần có điều luật cụ thể hơn về xâm hại sức khỏe và tinh thần với nhân viên y tế trong các tình huống khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu.

Cũng cần có quy định cụ thể trong công tác bảo vệ bệnh viện như vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của bảo vệ bệnh viện, các trang thiết bị hỗ trợ được sử dụng, quy định dùng hình ảnh trích xuất camera, điều khoản tăng nặng khi sử dụng hình ảnh nhân viên y tế và khoa phòng điều trị trên mạng xã hội mà chưa được sự chấp thuận của đơn vị, cá nhân... Còn rất nhiều điều cần chi tiết cụ thể đủ để quy định thành một điều luật.

Các bạn sẽ thắc mắc cứ mỗi ngành lại có điều luật bảo vệ nhân viên của mình thì sẽ thành một rừng luật. Xin thưa, luật pháp được xây dựng theo các hoạt động thực tiễn của xã hội, khi nền dân trí chưa phát triển chúng ta cần có những đạo luật để giải quyết những hiện tượng được coi là nghiêm trọng, tác động lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Y tế là ngành đặc biệt, hiện tượng hành hung nhân viên y tế chưa bao giờ chấm dứt, gây tác động đặc biệt đến phạm trù đạo đức toàn xã hội (đánh chửi người đang chữa bệnh cho người thân mình).

Ngành Y tế Việt Nam xứng đáng có được một điều luật bảo vệ, để chúng tôi yên tâm làm nghề của mình!

PGS.TS NGUYỄN LÂN HIẾU (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/pgs-ts-nguyen-lan-hieu-can-luat-chong-bao-hanh-nhan-vien-y-te-de-ho-yen-tam-lam-nghe-ar940542.html
Zalo