Petrovietnam tìm động lực mới cho chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng
Với mục tiêu là trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia theo tinh thần Kết luận số 76 này, Petrovietnam đang nỗ lực tái tạo nguồn lực con người để có thể chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng thành công.
Tại tọa đàm "Vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam" sáng 14/12 tại TP. Vũng Tàu, ông Trần Quang Dũng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Petrovietnam cho biết, với vai trò là tập đoàn công nghiệp năng lượng, là trụ đỡ của nền kinh tế, Petrovietnam đang nỗ lực làm mới các động lực truyền thống, tạo động lực mới liên quan đến năng lượng tái tạo theo tinh thần Kết luận số 76-KL/TW (KL76) ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Với mục tiêu là trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia theo tinh thần Kết luận số 76 này, Petrovietnam đang nỗ lực tái tạo nguồn lực con người để có thể chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng thành công; trong đó, các đơn vị trong toàn Petrovietnam tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng lộ trình chuyển đổi này.
Hiện Petrovietnam đã có sự chuyển biến rất lớn trong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng trong toàn tập đoàn, nhất là tại các đơn vị thành viên như Vietsovpetro, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn; trong đó, Tổng công ty Dịch vụ và Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) từ tháng 3/2023 đã trúng thầu thiết kế, thi công 33 chân đế turbin điện gió ngoài khơi với giá trị hợp đồng trên 2 tỷ USD.
Ông Ngô Mạnh Thắng, Phó giám đốc Dự án chân đế turbin cột điện gió ngoài khơi cung cấp cho Trang trại điện gió ngoài khơi Chương Hóa của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, hiện PTSC đã có hợp đồng sản xuất được 33 chân đế turbin điện gió ngoài khơi cho đối tác Orsted (Đan Mạch) và hiện đã hoàn thành 24 chân đê. Theo kế hoạch sẽ bàn giao xong vào tháng 6/2025.
Cũng đã có hợp đồng 10 trạm biến áp xoay chiều cho các công trình điện gió ngoài khơi về tay PTSC. Cạnh đó, PTSC cũng đang triển khai Dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore mà hiện đang trong giai đoạn khảo sát ngoài khơi.
Kể từ khi ký hợp đồng đầu tiên với Orsted vào 19/5/2023 tới 01/12/2024, giá trị các hợp đồng trong lĩnh vực này mà PTSC đã ký đã đạt trên 2 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 3.000 người lao động của PTSC và gần 100 nhà thầu phụ trong gần 2 năm.
Để thực hiện các dự án lớn này, PTSC đã xây dựng hệ thống các đối tác, nhà thầu phụ trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi để đảm bảo tận dụng hết cơ sở vật chất, con người và công nghệ của các bên hiệu quả nhất.
Tuy nhiên PTSC cũng cho hay, do điện gió ngoài khơi là loại hình năng lượng còn khá mới mẻ tại Việt Nam nên việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi nói chung đang gặp nhiều thách thức, nhất là về kỹ thuật và công nghệ; về nguồn lực và công suất.
Từ góc độ chuyển đổi số, ông Hoàng Cảnh Sơn, đại diện Vietsovpetro cho biết chuyển đổi số trong thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức khi việc áp dụng các công nghệ còn rời rạc, thiếu tính liên kết, ít được phổ cập, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu các chuyên ngành mang tính chất nhỏ lẻ, cục bộ; phục vụ cho từng lĩnh vực hẹp, khó tích hợp.
Ngoài ra còn có các rào cản chung mang tính quốc gia như hạ tầng viễn thông, bảo vệ dữ liệu, an ninh mạng, môi trường và hành lang pháp lý ảnh hưởng tới lộ trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.
Để vượt qua các thách thức này, Vietsovpetro đã xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số 2025-2030; trong đó đặt mục tiêu số hóa toàn diện các hoạt động sản xuất trên nền tảng số; tối ưu hoạt động quản trị vận hành trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng và hạ tầng số hiện tại; đổi mới mô hình kinh doanh hiệu quả thông qua năng lực số.
Theo ông Hoàng Cảnh Sơn, việc chuyển đổi số này nhằm giúp Vietsovpetro duy trì sản lượng khai thác dầu khí ổn định ở mức trung bình 2,8 triệu tấn/năm, đồng thời mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh, đảm bảo gia tăng tỷ trọng đóng góp của các mảng kinh doanh khác ngoài hoạt động khai thác dầu khí, bao gồm dịch vụ dầu khí, đầu tư điện gió ngoài khơi, dịch vụ điện gió ngoài khơi (đạt 15% cuối năm 2025, 30% cuối 2030 và 60% cuối 2035).
Hiện Vietsovpetro đang triển khai 4 sáng kiến số vào hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy tự động hóa công việc trong thăm dò khai thác dầu khí; Hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa tích hợp trên công trình biển nhằm kiểm soát và quản lý hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị trên các công trình biển, kiểm soát việc sử dụng vật tư, thiết bị và nhân lực bảo dưỡng và sửa chữa, kiểm soát tình trạng máy móc thiết bị, các hư hỏng, số hóa quy trình quản lý bảo dưỡng sửa chữa, tiết kiệm thời gian xử lý giấy tờ; nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP và xây dựng, hoàn thiện các nghiệp vụ quản trị liên quan; sáng kiến số Hồ sơ bệnh án điện tử.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Petrovietnam khẳng định, chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng là tất yếu khách quan trong thời đại công nghệ 4.0. Petrovietnam nói chung và các tổ chức đoàn thể chính trị trong tập đoàn nói riêng không nằm ngoài xu thế và trách nhiệm đó.
Với thực tế là chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng đang tác động sâu đến chiến lược sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khai thác dầu khí của Petrovietnam, việc nâng cao nhận thức và hành động của mỗi tập thể, mỗi cá nhân trong Petrovietnam và sự tham gia của các đoàn thể chính trị trong tập đoàn theo tinh thần "một đội ngũ một mục tiêu" là thực sự quan trọng để hiện thực hóa lộ trình chuyển đổi này và trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia theo tinh thần số 76-KL/TW (KL76) ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị.