Các hãng ô tô gặp khó tại thị trường châu Âu

Ford và các nhà sản xuất ô tô tại Đức đang phải đối mặt với những thách thức ở thị trường châu Âu, gồm cắt giảm nhân sự và áp lực pháp lý để chuyển đổi sang xe điện trong khi thị trường trì trệ.

Dây chuyền sơn tự động xe ô tô của Ford Motor. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Dây chuyền sơn tự động xe ô tô của Ford Motor. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Thông báo mới nhất của nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford về kế hoạch cắt giảm việc làm tại châu Âu đang cho thấy những khó khăn mà các hãng xe đang phải đối mặt tại đây, nơi chi phí vận hành cao và nhu cầu thấp đang cản trở việc áp dụng xe điện (EV) bất chấp các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khu vực.

Ford Motor Co. đã công bố kế hoạch cắt giảm 4.000 việc làm trên toàn châu Âu vào cuối năm 2027, viện dẫn lí do nhu cầu EV yếu, tình hình kinh tế khó khăn và cạnh tranh gia tăng. Kế hoạch cắt giảm này sẽ ảnh hưởng đến 14% trong số 28.000 nhân viên của hãng tại châu Âu và 2,3% trong tổng số 174.000 nhân viên toàn cầu.

Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.900 vị trí bị cắt giảm, tiếp theo là Anh với 800 vị trí và 300 vị trí ở các quốc gia châu Âu khác. Ford nhấn mạnh việc cắt giảm sẽ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của đại diện người lao động.

Trong thông báo, Ford còn nhấn mạnh những thách thức đặc thù của châu Âu, bao gồm quy định nghiêm ngặt về khí thải CO2 và nhu cầu xe điện chưa tương xứng.

Những khó khăn của Ford cũng được phản ánh qua hiệu suất thị trường. Hãng báo cáo lợi nhuận ròng quý III/2024 giảm 26% xuống còn 892 triệu USD. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), thị phần của Ford tại châu Âu đã giảm xuống 3,35% tính đến tháng 10/2023, với doanh số xe ô tô con từ đầu năm đến nay giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Động thái của Ford là một phần của xu hướng chung ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô châu Âu. Nhu cầu yếu kém ở các thị trường trọng điểm cùng với chi phí gia tăng đã thúc đẩy làn sóng cắt giảm việc làm của các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp lớn. Các công ty khác như Stellantis, Continental, ZF, Bosch và Schaeffler đều đã công bố kế hoạch giảm nhân sự, với Đức là tâm điểm.

Continental dự kiến cắt giảm khoảng 7.150 việc làm trong bộ phận ô tô vào năm 2025, với 40% số việc cắt giảm tại Đức. ZF đặt mục tiêu giảm từ 11.000 đến 14.000 nhân viên tại Đức vào năm 2028. Sau khi sáp nhập với Vitesco Technologies, Schaeffler có kế hoạch sa thải 4.700 công nhân trên khắp châu Âu, bao gồm 2.800 người tại Đức. Bosch dự kiến cắt giảm hơn 7.000 việc làm, chủ yếu trong phân khúc ô tô.

Việc Đức trở thành tâm điểm của làn sóng cắt giảm việc làm trong ngành ô tô có liên quan đến chi phí lao động và năng lượng cao. Ông Markus Wassenberg, người đứng đầu Ford chi nhánh Đức nhấn mạnh rằng những chi phí này đã trở nên cao tới mức không bền vững.

Các nhà sản xuất ô tô tại Đức cũng phải đối mặt với những thách thức khác, bao gồm áp lực pháp lý để chuyển đổi sang xe điện và thị trường châu Âu trì trệ. Những yếu tố này khiến các công ty phải đánh giá lại hoạt động và cắt giảm chi phí để duy trì khả năng cạnh tranh.

Giám đốc tài chính của Ford, John Lawler, kêu gọi Đức thực hiện các chính sách rõ ràng để hỗ trợ xe điện, chẳng hạn như mở rộng cơ sở hạ tầng sạc, ưu đãi cho người tiêu dùng và linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu CO2. Ông nhấn mạnh cam kết của Ford đối với các mục tiêu khí hậu, nhưng cảnh báo rằng chính phủ cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo tính cạnh tranh và thành công của ngành.

Hương Thủy (Theo THX)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-hang-o-to-gap-kho-tai-thi-truong-chau-au/356827.html
Zalo